Khó khăn bủa vây pencak silat
Hướng tới Đại hội thể thao Đông Nam Á 2023 (SEA Games 32), Đội tuyển pencak silat Việt Nam với 4 huấn luyện viên, 30 vận động viên (VĐV) đang tích cực tập luyện nhằm tham dự 13 nội dung đối kháng, 4 nội dung quyền và đặt mục tiêu giành từ 3 huy chương vàng (HCV) trở lên.
Mục tiêu trên được xem là khiêm tốn, bởi lâu nay, pencak silat là một “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam. Gần nhất, tại SEA Games 31, Đội tuyển pencak silat Việt Nam dẫn đầu toàn đoàn với 6 HCV, 2 huy chương bạc và 5 huy chương đồng. Tìm hiểu được biết, cũng giống như nhiều môn võ khác tại SEA Games 32, pencak silat bị cắt giảm nhiều nội dung vốn là thế mạnh của Việt Nam. Ngoài ra, chủ nhà Campuchia đưa ra quy định giới hạn số lượng nội dung mỗi quốc gia tham dự ở mức 70% (ngoại trừ nước chủ nhà là 100%) nên buộc ban huấn luyện đội tuyển phải tính kỹ.
Đơn cử như đương kim vô địch SEA Games hạng 75kg nữ Quàng Thị Thu Nghĩa phải chuyển xuống thi đấu hạng 70kg; các võ sĩ đẳng cấp như Nguyễn Duy Tuyến (vô địch thế giới hạng 85kg nam), Lê Văn Toàn (vô địch thế giới hạng 95kg) cũng phải thay đổi hạng cân thi đấu tại SEA Games 32... Ngoài ra, Đội tuyển pencak silat Việt Nam cũng vắng hai võ sĩ chủ lực là Trần Đình Nam và Nguyễn Văn Trí vì chấn thương. Chưa hết, tại SEA Games 32, pencak silat sẽ áp dụng thể thức đánh, tính điểm mới của Liên đoàn Pencak silat thế giới, khiến các võ sĩ và ban huấn luyện phải chạy đua với thời gian để cập nhật.
Trước những khó khăn trên, Đội tuyển pencak silat Việt Nam thể hiện tinh thần và tập luyện thế nào? Trao đổi với chúng tôi, Huấn luyện viên trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Chúng tôi chia chu kỳ huấn luyện làm 3 giai đoạn: Đầu tiên là tập trung cho VĐV xây dựng thể lực, săn chắc cơ bắp để khi vào tập chuyên môn sẽ hạn chế chấn thương. Tiếp đến là tập va chạm để tăng sức chịu đựng. Giai đoạn 3 là rèn VĐV bằng các bài tập, đưa các bài vào thực tế thi đấu. Đặc biệt, ban huấn luyện sẽ tổ chức thi đấu tập nội bộ, mời một số đơn vị đấu tập giúp VĐV rèn luyện bản lĩnh, kinh nghiệm”.
Việc thay đổi hạng cân thi đấu khiến các võ sĩ phải đối mặt với bài toán ép cân hoặc đôn cân. Buộc phải giảm 5kg để tham dự SEA Games 32 khiến Quàng Thị Thu Nghĩa mệt mỏi, nhưng võ sĩ sinh năm 1999 đầy quyết tâm: “Tôi sẽ nỗ lực hết mình để bảo vệ tấm HCV”. Trong khi đó, nhà vô địch thế giới Nguyễn Duy Tuyến lo lắng, chúng tôi chỉ có chưa đầy một năm để chuẩn bị, thích nghi với những điều luật mới.
Tổng cục Thể dục thể thao vừa phê duyệt kế hoạch cử Đội tuyển pencak silat Việt Nam đi tập huấn tại Indonesia (quê hương của võ pencak silat) vào tháng 4 nhằm giúp VĐV cọ xát, nâng cao trình độ, chuẩn bị cho SEA Games 32 và xa hơn là Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19. Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục Thể dục thể thao) tâm sự: “Đội tuyển pencak silat Việt Nam đang có một thế hệ võ sĩ chất lượng, nhưng về lâu dài, vấn đề đào tạo trẻ và tuyển chọn tài năng cần phải được tính toán bài bản, kỹ lưỡng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức thêm các giải đấu phong trào, tuyển chọn tài năng pencak silat từ học đường”.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/kho-khan-bua-vay-pencak-silat-721888