Khó khăn của doanh nghiệp Nhật khi đưa sản xuất từ Trung Quốc về nước

Trong tháng 4, việc công ty Nhật Bản Iris Ohyama quyết định khởi động sản xuất khẩu trang được coi là chiến thắng đối với Thủ tướng Shinzo Abe, người muốn đưa sản xuất gia công từ Trung Quốc về nước.

Nhân viên trong một nhà máy của Honda tại Vũ Hán. Ảnh: Reuters

Nhân viên trong một nhà máy của Honda tại Vũ Hán. Ảnh: Reuters

Dịch COVID-19 khiến nhiều nhà máy sản xuất tại Trung Quốc phải đóng cửa. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đề nghị chi 2,2 tỷ USD giúp các công ty Nhật Bản chuyển dây chuyền sản xuất về nước. Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết một số quan chức Nhật Bản đã gọi đây là vấn đề an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura vào đầu tháng 6 chia sẻ với các phóng viên: “Chúng ta đã phụ thuộc vào Trung Quốc. Chúng ta cần đa dạng và đẩy mạnh chuỗi sản xuất, mở rộng nguồn cung, tăng sản xuất trong nước”.

Tuy nhiên, một số công ty Nhật Bản cho rằng việc chuyển sản xuất về nước là không có tính thực tế và kinh tế. Những công ty này ưu tiên hiện diện tại Trung Quốc bởi phần lớn sản phẩm sản xuất đều dành cho người tiêu dùng Trung Quốc và cần đáp ứng nhu cầu “đúng thời hạn”.

Đại diện của tập đoàn Yorozu chuyên sản xuất linh kiện ô tô – ông Chikara Haruta - chia sẻ: “Sản phẩm của chúng tôi có kích thước rất lớn do vậy cần ở gần khách hàng để kiểm soát chi phí sản xuất”. Nhà máy của Yorozu tại Vũ Hán chỉ cách nhà máy sản xuất của Honda 7km. Toyota, Nissan và Honda đều có ít nhất ba trung tâm nghiên cứu và sản xuất tại Trung Quốc.

Các chính khách Nhật Bản vốn không hài lòng khi Nhật Bản phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc. Từ đầu những năm 2000, tiền lương của người lao động Trung Quốc tăng, dẫn đến đàm phán về chiến lược “Trung Quốc cộng một”.

Đó là chính sách giảm thiểu rủi ro bằng việc đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc và một quốc gia châu Á khác. “Trung Quốc cộng một” gây thêm chú ý trong năm 2012 khi căng thẳng song phương gia tăng khiến nhiều công ty Nhật Bản chọn sản xuất tại Đông Nam Á.

Trong gói hỗ trợ 220 tỷ yên của Chính phủ Nhật Bản, có 23,5 tỷ yên dành cho các công ty nước này để đa dạng chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á.

Công ty Japan Display và Rohm nhận định tiềm năng đưa giai đoạn gia công cuối cùng, vốn cần nhiều sức lao động, về nước và chuyển thành tự động hóa hoàn toàn có thể dẫn tới cụm lắp ráp mới với công nghệ tiên tiến tại Nhật Bản. Việc này giúp giảm phụ thuộc vào lao động tại Trung Quốc.

Nhưng đại diện của công ty Sharp lại cho biết: “Quá trình gia công cuối cùng thường được thực hiện tại Trung Quốc bởi cần lượng lao động lớn. Đưa quá trình này trở lại Nhật Bản sẽ tốn kém”.

Bộ Thương mại Nhật Bản cho biết trong năm 2018, đơn vị sản xuất của doanh nghiệp nước này ở Trung Quốc đã bán được hàng hóa trị giá 252 tỷ USD, trong đó 73% bán trong thị trường Trung Quốc và 17% xuất về Nhật Bản.

Đến nay, mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn mạnh mẽ bất chấp một số bất đồng. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, đầu tư nước ngoài trực tiếp của nước này vào Trung Quốc đã tăng 37% trong khoảng thời gian 2016-2019.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu đáng quan tâm có thể tác động đến mối quan hệ này. Trong tháng 5, Nhật Bản đưa ra gói kích thích kinh tế 2,2 tỷ USD để giúp các nhà sản xuất muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đến tháng 6 này, Nhật Bản dự kiến áp dụng luật mới hạn chế đầu tư nước ngoài đối với những công ty quan trọng trong vấn đề an ninh quốc gia.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/kho-khan-cua-doanh-nghiep-nhat-khi-dua-san-xuat-tu-trung-quoc-ve-nuoc-20200609200630950.htm