Khó khăn của Philippines trước thềm năm học mới
Đầu tháng 8, Philippines khai giảng năm học 2024 - 2025 nhưng ngành Giáo dục phải đối mặt với nhiều khó khăn chưa thể khắc phục.
Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục Philippines, tính đến ngày 26/7, hơn 18,3 triệu học sinh đăng ký nhập học trong năm nay. Giống như những năm trước, công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng gặp nhiều thách thức do con người và thiên nhiên.
Năm học 2024 - 2025 được khai giảng sớm hơn một tháng so với năm trước theo kế hoạch bắt đầu từ đầu tháng 8 và kết thúc vào tháng 4/2025. Chính phủ Philippines muốn điều chỉnh thời gian học để đến năm 2025, nước này sẽ trở lại lịch năm học cũ là bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 3 năm sau. Sự thay đổi được cho là do các đợt nắng nóng khắc nghiệt khiến nhiều trường phải đóng cửa, ảnh hưởng đến kế hoạch năm học.
Tuy nhiên, trong ngày khai giảng năm học mới, một số khu vực tại Philippines phải đối mặt với mưa bão gây lũ lụt. Ước tính, hơn 12,8 nghìn trường học bị ảnh hưởng bởi bão, trong đó 246 trường bị ngập lụt và 425 trường phải sơ tán. Hầu hết, các trường học “bị hư hại nghiêm trọng” đều nằm ở Manila, Calabarzon và Trung Luzon.
Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục, mưa bão khiến gần một nghìn trường học không thể tổ chức lễ khai giảng theo kế hoạch. Nhiều học sinh bị mất sách vở, đồng phục, tài liệu học tập do mưa bão nên không thể trở lại trường. Các gia đình bị tác động kinh tế cũng không đủ khả năng cho con tiếp tục đi học.
Vì vậy, từ đầu năm học 2024 - 2025, Philippines đã đối mặt với thách thức huy động đủ số học sinh ra lớp và tu sửa cơ sở vật chất. Ước tính, chi phí để phục hồi các lớp học bị hư hỏng do thiên tai là 1,6 tỷ peso.
Theo cơ quan thời tiết Pagasa, Philippines có khả năng hứng chịu từ 13 đến 18 cơn bão nhiệt đới trong năm nay, thấp hơn mức trung bình là 19 - 20 cơn bão trong những thập kỷ trước. Bà Vladimer Quetua, Chủ tịch Liên minh Đạo đức Giáo viên (TDC) cho biết cần xây dựng các lớp học có khả năng chống chịu thảm họa và các trung tâm sơ tán chuyên dụng để ngăn chặn tình trạng gián đoạn học tập kéo dài.
“Đã đến lúc phải vượt ra ngoài các giải pháp tạm thời như đổi lớp học, mượn không gian ngoài trường học. Giáo dục không thể đảm bảo chất lượng nếu tổ chức trong các lớp học tạm thời hoặc dưới tán cây. Học sinh và giáo viên xứng đáng được hưởng môi trường giáo dục tốt hơn”, bà Quetua nhấn mạnh.
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Philippines kêu gọi Bộ Giáo dục Philippines tìm cách đảm bảo “học sinh có thể tiếp tục học tập trong một môi trường an toàn và lành mạnh”. Tổ chức này cảnh báo trẻ em sẽ đối mặt với nguy cơ phải di dời, mắc bệnh tật và gián đoạn học tập trong các trận bão và thiên tai khác.
Do chịu ảnh hưởng từ việc gián đoạn, trình độ học tập của học sinh Philippines bị tụt hậu so với bạn bè. Theo Chương trình Đánh giá Học sinh quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện vào năm 2018 và 2022, học sinh lớp 10 Philippines đạt điểm thấp nhất về Toán, Đọc hiểu và Khoa học trong các nước Đông Nam Á.
Theo Philstar