Khó khăn do COVID-19 khiến quân đội các nước châu Á lựa chọn 'mua sắm thông minh'
Các quốc gia châu Á đang vượt lên tác động kinh tế từ COVID-19 và tìm kiếm phương thức hiệu quả về chi phí để nâng cấp quân đội.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết đây là nhận định của các doanh nghiệp quốc phòng bên lề Triển lãm hàng không Singapore diễn ra từ 15-18/2.
Trong khuôn khổ triển lãm, Indonesia tuyên bố sẽ đặt hàng 42 tiêm kích Dassault Rafale do Pháp sản xuất qua hợp đồng trị giá 8,1 tỷ USD. Điều này đồng thời khiến Indonesia trở thành khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Pháp trong khu vực.
Ông Collin Koh tại Viện nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Singapore, đánh giá các quốc gia Đông Nam Á đặc biệt có thể giải quyết các nhu cầu quan trọng trong năm tới. Theo ông Koh, nhiều nước Đông Nam Á đang đối mặt với nợ gia tăng, điều này đồng nghĩa với việc chi tiêu sẽ trở nên thận trọng.
Ông Koh cho biết thêm nhiều nước đã tìm mua trực thăng bởi phương tiện này có nhiều công năng và mang xu hướng được hỗ trợ nhiều hơn về mặt chính trị.
Philippines trong tháng 1 đã tuyên bố mua 32 trực thăng S-70i Blackhawk từ công ty con PLZ Mielic của nhà sản xuất máy bay Mỹ Sikorsky Aircraft. Sikorsky Aircraft vốn thuộc sở hữu của tập đoàn Lockheed Martin.
Tại Triển lãm hàng không Singapore, Phó chủ tịch kinh doanh toàn cầu của Lockheed Martin, ông Tim Cahill, cũng nhận định có “nhu cầu ngày càng tăng về trực thăng” trong khu vực.
Trong khi đó, lãnh đạo của Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Israel (IAI) Boaz Levy đánh giá nhiều quốc gia châu Á có nhu cầu sử dụng phương tiện để quan sát vùng biển rộng lớn được gọi là máy bay tuần tra hàng hải (MPA).
IAI có kinh doanh máy bay tuần tra hàng hải ELI-3360. Ông Levy chia sẻ: “Có rất nhiều khách hàng quan tâm nhưng tôi không thể nêu cụ thể tên các quốc gia đó”.
Tuy nhiên, máy bay tuần tra hàng hải thường có giá khá đắt đỏ và điều này được coi là trở ngại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang hồi phục sau đại dịch COVID-19. Hợp đồng máy bay tuần tra hàng hải lớn gần đây là vào năm 2018 khi Hàn Quốc mua 6 chiếc Boeing P-8A Poisideon với giá gần 2 tỷ USD và New Zealand mua 4 chiếc Poisideon với giá 1,6 tỷ USD.
Máy bay không người lái hiện được coi là phương án tiết kiệm chi phí hơn. Australia đang phối hợp với Boeing sản xuất các máy bay không người lái có thể phối hợp với chiến đấu cơ.
Cả ông Koh và Cahill đều có quan điểm chung rằng các quốc gia trong khu vực châu Á cũng đang dồn quan tâm vào nâng cấp hệ thống phòng không trước bối cảnh tên lửa đạn đạo và tầm xa phổ biến trong khu vực. Nhưng ông Koh đánh giá việc nâng cấp hệ thống phòng không thường tốn nhiều chi phí và không được coi là quá cấp thiết.