Khó khăn khi triển khai sản xuất trên vùng chuyên canh lạc ở Cam Lộ

Tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, thiên tai liên tiếp xảy ra, nhất là hạn hán vụ hè thu và 2 đợt lũ lớn từ ngày 8-18/10/2020 đã gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất, đời sống của người dân huyện Cam Lộ. Trong sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, phát triển nông thôn bị hư hỏng nhiều; một số diện tích cây trồng lâu năm bị hư hại khó khôi phục lại như cây cao su, hồ tiêu, cây ăn quả. Đặc biệt, đối với cây lạc, loại cây trồng chủ lực ở Cam Lộ cũng đang đứng trước nhiều khó khăn khi bắt tay vào sản xuất vụ mùa mới.

 Nhiều bãi bồi ven sông Hiếu, nơi trồng lạc tập trung ở Cam Lộ hiện chưa làm đất được do mưa kéo dài - Ảnh: Đ.T

Nhiều bãi bồi ven sông Hiếu, nơi trồng lạc tập trung ở Cam Lộ hiện chưa làm đất được do mưa kéo dài - Ảnh: Đ.T

Huyện Cam Lộ từ xưa đến nay nổi tiếng là vùng chuyên canh lạc. Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh, chỉ tính riêng vụ đông xuân, trên địa bàn huyện Cam Lộ đã có diện tích trồng lạc lên tới gần 600 ha, tập trung ở các xã Cam Tuyền, Cam Thành, thị trấn Cam Lộ. Lạc vụ trái (vụ hè thu) cũng có diện tích từ 30- 50 ha, gieo vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 hằng năm, chủ yếu là để sản xuất giống, với giá bán khá cao, 1 kg lạc giống thu được ở thời điểm này có giá bán khoảng 50.000 đồng, cao gấp đôi so với lạc thương phẩm. Những năm gần đây, mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi đối với cây lạc, nhất là nắng hạn kéo dài trong thời điểm lạc ra hoa, đâm tia nhưng nhờ áp dụng các biện pháp thâm canh, phủ bạt ni lông, tưới nhỏ giọt, trồng sắn xen lạc… nên năng suất lạc vẫn đạt khá cao. Lạc ở Cam Lộ có năng suất bình quân đạt từ 22-23 tạ/ha, sản lượng từ 1.200 - 1.300 tấn, đem lại tổng thu nhập cho người trồng lạc mỗi năm từ 30 - 37 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các trận lũ lớn liên tiếp xảy ra vào tháng 10/2020 đã gây cho ngành nông nghiệp của huyện Cam Lộ nhiều thiệt hại. Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, quá trình chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân 2020- 2021, huyện gặp rất nhiều khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi, hệ thống đê điều bị hư hại chưa khắc phục được. Quan điểm chỉ đạo của huyện là tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương, tỉnh, huy động mọi nguồn lực để từng bước khắc phục hậu quả lũ lụt, tổ chức sản xuất tốt, ổn định đời sống Nhân dân. Trước mắt, các xã, thị trấn chủ động tổ chức tổng kết tình hình sản xuất năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về thủy lợi, làm đất, giống, phân bón… để phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021. Phòng Nông nghiệp và PTNT xây dựng phương án sản xuất nông nghiệp năm 2021, trọng tâm là sản xuất vụ đông xuân, đồng thời UBND huyện cũng đã bố trí lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng vụ đông xuân 2020-2021 để triển khai sản xuất thuận lợi.

Riêng đối với cây lạc, do diện tích trồng lạc thường tập trung ở vùng bãi bồi ven sông Hiếu ở xã Cam Tuyền, Cam Thành, thị trấn Cam Lộ… nên sau khi lũ lớn đi qua, diện tích đất trồng lạc bị bồi lấp dày khó có thể tiếp tục đưa vào sản xuất khoảng 20 ha. Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết, khó khăn nhất hiện nay trong triển khai gieo trồng lạc vụ đông xuân 2020-2021 là phần lớn diện tích đất đang bị ướt, chua do sau lũ có mưa kéo dài, nông dân chưa thể cày phơi, chờ đất ráo để sản xuất. Theo lịch thời vụ của UBND huyện, thời vụ gieo lạc, đối với vùng bãi bồi có khả năng hạn sớm sử dụng giống lạc chùm Cam Lộ, lạc Đăk Lăk, gieo từ ngày 25/12/2020 đến 15/1/2021. Vùng đất thịt nhẹ đủ ẩm sử dụng giống lạc L14 gieo từ ngày 2/1/2021 đến 18/2/2021. Do vụ sản xuất đông xuân đã cận kề, nhưng đến thời điểm này mưa rét vẫn còn kéo dài, do vậy tiến độ làm đất, gieo lạc có thể chậm lại.

Đối với giống, nhu cầu giống lạc cho sản xuất vụ đông xuân trên địa bàn toàn huyện là khoảng 110-120 tấn. Huyện Cam Lộ đã được tỉnh hỗ trợ 70 tấn giống lạc, cộng với nguồn giống lạc có trong dân nên cơ bản đáp ứng nhu cầu cho sản xuất.

Để khắc phục khó khăn trong vụ sản xuất đông xuân, đến thời điểm này, huyện Cam Lộ đang phát động người dân ra quân tu bổ, sửa chữa công trình thủy lợi, nạo vét hệ thống tưới, tiêu; đắp bờ giữ nước; đẩy mạnh kiên cố hóa kênh mương, vệ sinh đồng ruộng… Riêng đối với vùng chuyên canh lạc, người dân đã chuẩn bị các điều kiện về vật tư, phân bón, vôi, phương tiện…để khi thời tiết thuận lợi là khẩn trương bắt tay ngay để làm đất, gieo hạt, hướng tới một vụ lạc năng suất cao sau lũ lớn.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154194