Khó khăn mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung hàng hóa theo chuỗi giá trị, từ đó gia tăng năng suất, chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Vĩnh Phúc, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung hàng hóa theo hướng thân thiện với môi trường, an toàn, bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, qua tổng kết của ngành chức năng, việc mở rộng vùng sản xuất tập trung hiện trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn.

Sản xuất rau tại HTX rau an toàn Vĩnh Phúc mang lại giá trị tăng 3-5 lần so với trồng lúa.

Sản xuất rau tại HTX rau an toàn Vĩnh Phúc mang lại giá trị tăng 3-5 lần so với trồng lúa.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh dồn thửa, đổi ruộng (DTĐR), tích tụ đất đai, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần hình thành những vùng sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn về trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản ở các địa phương.

Nhiều mô hình sản xuất tập trung hàng hóa, quy mô lớn có liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường như vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Lập Thạch; vùng thanh long ruột đỏ ở huyện Lập Thạch; sản xuất rau sạch, dưa chuột ở huyện Tam Dương, Tam Đảo, thành phố Phúc Yên…

Việc ứng dụng tiến bộ KHKT tiên tiến vào sản xuất đã đem lại hiệu quả rõ rệt; sản xuất lúa chất lượng cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa thông thường trong cùng điều kiện canh tác với mức trung bình tăng từ 3-5 triệu đồng/ha, có nơi tăng 6-7 triệu đồng/ha, cá biệt tăng 20 - 25 triệu đồng/ha (diện tích chuyên sang trồng rau, quả).

Giá trị sản phẩm trồng trọt/1 ha canh tác tăng từ 57,95 triệu đồng/ha năm 2008 lên 104,9 triệu đồng/ha năm 2020, tăng 81,02% (tăng 46,95 triệu đồng/ha); sản xuất các loại cây rau, quả hàng hóa an toàn theo VietGAP tăng gấp 3-4 lần so với các loại cây trồng truyền thống.

Cụ thể, sau khi trừ chi phí, các loại cây trồng cho lãi như: Cây bí đỏ đạt 34,7 triệu đồng/ha, cây dưa chuột từ 49,3 - 79,7 triệu đồng/ha, cây ớt từ 164,6 - 238 triệu đồng/ha, cây cà chua đạt 259 triệu đồng/ha và cây khoai tây đạt 76 triệu đồng/ha; cây su su đạt 130-145 triệu đồng/ha...

Từ hiệu quả kinh tế bước đầu của những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung hàng hóa, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều cơ chế, chính sách tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất tập trung hàng hóa theo vùng, gắn với xây dựng chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế, góp phần xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản địa phương như chuối tiêu hồng vùng bãi Liên Châu (Yên Lạc), Gạo Phú Xuân (Bình Xuyên), bò sữa Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường), thanh long ruột đỏ (Lập Thạch), Rau su su (Tam Đảo), dưa chuột (Tam Dương), ...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 361 mô hình cấy giống lúa mới với tổng diện tích trên 3.100 ha; 170 mô hình nuôi cá giống mới; 126 cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung; 11 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, 5 chuỗi liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi...

Việc xây dựng, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) được quan tâm, chú trọng; số lượng các cơ sở, trang trại, doanh nghiệp, HTX sản xuất nông sản thực phẩm được chứng nhận đảm bảo ATTP, VietGAP ngày càng tăng.

Từ đó, tiếp tục được nhân rộng, góp phần cung ứng ngày càng nhiều nông sản sạch, an toàn phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận, nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất và đời sống của người dân.

Cùng với việc phát triển “cánh đồng mẫu lớn”, “cánh đồng liên kết”, tỉnh tích cực nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại ứng dụng KHKT, công nghệ cao. Đồng thời, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyển dần từ nuôi quảng canh sang thâm canh, hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Sông Lô, Phúc Yên… với quy trình nuôi được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP...

Tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ cụ thể từng loại cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2021-2025; cụ thể: Hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đối với vùng trồng trọt tập trung; hỗ trợ thuốc khử trùng tiêu độc cho khu chăn nuôi tập trung, hỗ trợ lồng, bể nuôi cá cho khu nuôi trồng thủy sản tập trung…

Đối với khu sản xuất tập trung được chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác, tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, hệ thống điện, nước, hệ thống xử lý chất thải chung đến chân hàng rào, nhà điều hành, quản lý, bảo vệ chung của cả khu; chi phí quản lý dự án. Đây là công cụ hữu hiệu để giúp nông dân tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết mang lại giá trị kinh tế cao.

Hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp tập trung đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, để phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung hàng hóa quy mô lớn còn rất nhiều khó khăn, dù tỉnh đã có nhiều cơ chế hỗ trợ.

Bởi, nhận thức của cán bộ, người dân còn hạn chế; ruộng đất còn manh mún chưa DTĐR triệt để. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong tỉnh còn hạn chế về vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thủy lợi; trình độ canh tác của người dân trong việc ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất còn thấp; khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, rủi ro cao, giá cả thị trường không ổn định; giá các loại vật tư đầu vào cao, trong khi giá bán, thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông nghiệp thường thấp và bấp bênh nên nhiều nông dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp...

Bài, ảnh Xuân Nguyễn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/80876/kho-khan-mo-rong-vung-san-xuat-nong-nghiep-tap-trung.html