Nhiều điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp
Tại Sóc Trăng, trong 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, do nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn đến sớm và cao hơn mức trung bình năm trước. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trong sản xuất nông nghiệp và đạt kết quả tích cực. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi cùng đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả của ngành Nông nghiệp tỉnh đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024?
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xuống giống được 331.720ha lúa, tăng 2,15% so cùng kỳ năm 2023, đã thu hoạch được 192.295ha (đạt gần 58% so tổng diện tích lúa đã xuống giống) với sản lượng 1,33 triệu tấn, tăng 7,15%, trong đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm hơn 94%. Về tiêu thụ lúa, giá lúa cao so với cùng kỳ năm trước từ 1.300 - 2.500 đồng/kg, đặc biệt trong vụ Đông - Xuân, năm 2023 - 2024 có 60 công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm từ đầu vụ, với tổng diện tích bao tiêu 28.355ha, tăng 6.924ha so với cùng kỳ năm trước, với giá thu mua dao động từ 7.000 - 11.500 đồng/kg.
Diện tích gieo trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày 35.018ha, tăng 1,83% so cùng kỳ năm 2023. Cây màu tiêu thụ ổn định, có một số rau màu như: ớt, cà chua, đậu... có giá bán tăng từ 1.300 - 12.000 đồng/kg so cùng kỳ. Diện tích cây ăn trái gần 29.000ha, tăng 0,19% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay đã liên kết tiêu thụ với các công ty được hơn 661 tấn trái (bưởi, vú sữa). Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc 268.006 con, vượt hơn 9% so với cùng kỳ; đàn gia cầm hơn 6,4 triệu con, vượt 4,7% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy, hải sản 125.700 tấn, vượt 4,1% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng nuôi trồng 90.655 tấn, vượt 2,2% so với cùng kỳ (tôm nước lợ 54.621 tấn, cá và thủy sản khác 36.034 tấn); sản lượng khai thác 35.045 tấn, vượt 10% so với cùng kỳ...
Riêng đối với lĩnh vực lâm nghiệp đã triển khai trồng rừng tại địa phương có rừng với diện tích hơn 22ha; phối hợp với thị xã Vĩnh Châu đã trồng 32.500 cây mắm trắng tại tuyến đê biển Vĩnh Châu, tương đương số tiền 2 tỷ đồng và đã triển khai trồng 3.429 cây xanh tại huyện Châu Thành.
Phóng viên: Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch về sản xuất nông nghiệp trong những tháng còn lại của năm 2024 ngành Nông nghiệp sẽ triển khai những giải pháp nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Từ nay đến cuối năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo xuống giống dứt điểm vụ Hè - Thu và triển khai các giải pháp về kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ năng suất lúa vụ Hè - Thu, năm 2024. Xây dựng kế hoạch xuống giống vụ Đông - Xuân; thường xuyên theo dõi tình hình xâm nhập mặn để chủ động trong sản xuất. Tiếp tục theo dõi kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng. Tổ chức sản xuất xuống giống diện tích rau màu và nâng cấp trồng mới cây ăn trái; tiếp tục xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, phục vụ tốt cho công tác liên kết tiêu thụ và xuất khẩu. Phối hợp với địa phương tăng cường bám sát tình hình nuôi tôm, khuyến cáo thả nuôi theo khung mùa vụ; thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc môi trường nước, quan trắc dịch bệnh để cảnh báo đến người nuôi tôm. Tăng cường các hoạt động đối thoại với các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, nhà khoa học có liên quan trong chuỗi sản xuất tôm, nhằm tìm ra giải pháp khắc phục khó khăn, giúp người nuôi tôm trong tình hình nuôi tôm còn nhiều rủi ro do dịch bệnh...
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản và giám sát dự đoán bệnh trên vật nuôi và thủy sản để khuyến cáo và hỗ trợ người nuôi theo thời vụ. Phối hợp đơn vị liên quan quản lý các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y thủy sản. Tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tại địa phương. Tranh thủ các dự án đầu tư phát triển diện tích rừng trên địa bàn tỉnh, góp phần đạt chỉ tiêu về diện tích rừng tập trung 9.270ha, trong đó rừng phòng hộ 7.270ha, tỷ lệ che phủ rừng 2,65%. Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và hướng dẫn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh với tiến độ nhanh nhất; chú trọng thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, giải pháp huy động tối đa nguồn lực từ xã hội, tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng cuộc vận động xã hội về xây dựng nông thôn mới…
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!