Khó khăn phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao

Sáng 12/5, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là phiên chất vấn đầu tiên của Thường trực HĐND TP Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nông nghiệp công nghệ cao: Đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn rất chậm

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Đàm Văn Huân (Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội) lấy ví dụ cụ thể về dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh, dù đã được phê duyệt đến nay gần 10 năm nhưng chưa được triển khai, gây nhiều ý kiến trong dư luận.

Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên đã được Thường trực Thành ủy Hà Nội thông qua năm 2013; đến năm 2014 thì được phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500. Dự án cũng phù hợp Quy hoạch về phòng, chống lũ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thẩm định trước đó.

“Tháng 8/2022, khi thẩm quyền phê duyệt cấp phép đầu tư vào dự án vẫn thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có nhà đầu tư nộp hồ sơ xin ý kiến của Bộ này. Sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực, mới đây vào ngày 15/2/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trả lời nhà đầu tư, trong đó có nêu thẩm quyền phê duyệt thuộc về TP Hà Nội. TP đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh trong thời gian sớm nhất…”, ông Quyền cho biết.

Đại biểu Đàm Văn Huân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Đàm Văn Huân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP đặt câu hỏi chất vấn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng thông tin thêm, ngoài dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh, UBND TP đã rà soát, đề xuất Bộ NN&PTNT bổ sung thêm 7 dự án khu nông nghiệp công nghệ cao khác nhằm cụ thể hóa Quyết định số 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

7 dự án cụ thể là: Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hoài Đức, quy mô diện tích khoảng 668ha, thuộc địa phận xã An Thượng và xã Song Phương; Khu sản xuất, dịch vụ ứng dụng công nghệ cao phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), quy mô diện tích khoảng 76ha thuộc vùng đất bãi sông Đáy; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng bãi ven sông Hồng thuộc xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, quy mô diện tích khoảng 105ha.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, hiện nay Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt 7 dự án nêu trên. TP vẫn đang giao Sở NN&PTNT kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án. Dù vậy, việc phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao hiện vẫn còn nhiều khó khăn do đòi hỏi nguồn lực đầu tư ban đầu lớn nhưng thời gian thu hồi vốn lại rất chậm.

Khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khu giết mổ tập trung

Đại biểu Trần Khánh Hưng (tổ Ba Vì) cho biết, Dự án xây dựng hạ tầng khu giết mổ tập trung tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) được đầu tư hơn 100 tỷ đồng, nhằm thu gom các hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu vực dân cư vào khu giết mổ tập trung, chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư; tuy nhiên, đến nay đã nhiều năm trôi qua vẫn chưa được đưa vào khai thác, sử dụng. Đại biểu đề nghị cho biết nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến chậm đưa khu giết mổ tập trung Bình Minh vào khai thác, sử dụng, dẫn đến tình trạng chưa phát huy hiệu quả đầu tư, xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực.

Liên quan việc đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, UBND huyện đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất triển khai thực hiện lập danh mục, kế hoạch, xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án theo chỉ đạo của UBND TP. Tuy nhiên, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung vẫn chưa thực hiện được do thời gian qua dự án chưa có nhà đầu tư doanh nghiệp quan tâm đầu tư; do tính chất đặc thù nên không có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giết mổ gia súc gia cầm, việc kêu gọi đầu tư dự án gặp nhiều khó khăn…

Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, để sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng, thu gom các hộ gia đình giết mổ gia súc gia cầm tự phát trong khu dân cư, tránh ô nhiễm môi trường, đáp ứng để nghị của cử tri các xã, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung tại xã Bình Minh là rất cần thiết. Huyện đề xuất giao cho huyện, các hợp tác xã đứng ra thu gom các hộ giết mổ trong khu dân cư.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trả lời tại phiên chất vấn sáng 12/5.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trả lời tại phiên chất vấn sáng 12/5.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền thừa nhận đây là lĩnh vực hết sức khó khăn, thiếu sức hấp dẫn trong quá trình thu hút đầu tư, mặc dù trong năm 2018, HĐND TP đã xây dựng Nghị quyết để hỗ trợ cho vấn đề này.

“Vừa qua, chúng tôi tiếp tục rà soát, giao huyện Thanh Oai tổ chức đấu giá, trong tháng 5 này rà soát, phê duyệt giá khởi điểm, trong năm nay sẽ tổ chức đấu giá”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền thông tin. Theo ông Quyền, nếu tổ chức đấu giá không thành công, TP sẽ có các giải pháp đề xuất với Thành ủy, đề xuất với HĐND TP có các cơ chế, chính sách đủ mạnh, để thu hút các nhà đầu tư tham gia.

Ngọc Yến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/kho-khan-phat-trien-cac-khu-nong-nghiep-cong-nghe-cao-i693260/