Khó khăn quản lý thu nợ thuế

ĐBP - Từ đầu năm đến nay, ngoài việc thực hiện tốt công tác quản lý nguồn thu, Cục Thuế tỉnh còn tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, tình trạng nợ thuế còn dây dưa, kéo dài.

Cán bộ Đội Kiểm tra (Chi cục Thuế khu vực TP. Điện Biên Phủ - Mường Ảng) rà soát danh sách người nộp thuế được khoanh nợ tiền thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai đôn đốc thu, xử lý nợ thuế, giao chỉ tiêu cụ thể đến các chi cục, các phòng liên quan và từng cán bộ phụ trách công tác quản lý nợ, duy trì công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo (BCĐ) thu nộp ngân sách tỉnh, Cục Thuế tỉnh đã tăng cường các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; phối hợp tích cực với các ngành thành viên BCĐ thu nộp ngân sách và các địa phương để xử lý các trường hợp chây ỳ nợ đọng tiền thuế. Trong 5 tháng đầu năm, ngành Thuế tỉnh đã thực hiện đôn đốc nợ thuế tới 100% người nộp thuế; ban hành 1.945 lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp; 132 lượt quyết định cưỡng chế nợ thuế với số tiền 53,5 tỷ đồng, gồm cưỡng chế tài khoản 122 lượt (50,5 tỷ đồng), cưỡng chế hóa đơn 10 lượt (2,8 tỷ đồng).

Với những nỗ lực đó, 5 tháng đầu năm toàn ngành Thuế đã thực hiện thu hồi được 120 tỷ đồng tiền nợ thuế. Trong đó, thu nợ cũ tại thời điểm 31/12/2020 là 38 tỷ đồng; thu nợ mới phát sinh trong năm 2021 là 82 tỷ đồng. So với thời điểm 31/12/2020, tổng số nợ thuế đã giảm 3 tỷ đồng (giảm 1,49%), so với cùng kỳ giảm 61 tỷ đồng (23,2%). Tuy nhiên, tính đến thời điểm 30/5/2021, tổng số tiền thuế nợ của các doanh nghiệp vẫn còn khá cao: 203 tỷ đồng, trong đó chỉ có 155 tỷ đồng là nợ có khả năng thu, còn 48 tỷ đồng là nợ khó thu.

Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý thu nợ thuế đã được xác định. Trước hết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp (DN) lâm vào tình trạng khó khăn, doanh thu đạt thấp, hoạt động cầm chừng hoặc phải dừng hoạt động. Một số DN còn chây ỳ nộp thuế nên hiệu quả thu hồi nợ thuế đạt thấp. Từ đầu năm đến nay, Cục Thuế tỉnh đã mời 21 doanh nghiệp có số nợ thuế lớn, tuổi nợ dài với tổng số nợ 71,6 tỷ đồng lên làm việc nhưng chỉ có 14 DN đến làm việc. 5 DN (có tổng nợ 9,6 tỷ đồng) đã ký cam kết thực hiện nộp dần tiền nợ thuế; 2 DN (tổng nợ 19 tỷ đồng) không có khả năng nộp; 3 DN (nợ 4 tỷ đồng) có kế hoạch nộp ngân sách nhưng không khả thi và 4 DN nợ 26,6 tỷ đồng không cam kết nộp. 7 DN với số nợ hơn 14 tỷ đồng dù được mời nhưng không lên làm việc hoặc đã bỏ địa chỉ kinh doanh. Bên cạnh đó, việc triển khai chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ đọng tiền thuế và tiền chậm nộp có xu hướng tăng.

Trước những khó khăn trên, ngành Thuế tỉnh đã thực hiện phân loại các loại, khoản nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp và hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan như: Sở Tài nguyên và Môi trường, công an, ngân hàng, tòa án, quản lý thị trường, kế hoạch đầu tư… trong việc thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản tiền nợ đọng liên quan đến đất đai, tài nguyên, cấp quyền khai thác khoáng sản. Tiếp tục xử lý nợ theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị quyết số 94/2019/QH14. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của cơ quan thuế cần có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp tích cực của các ngành để công tác thu hồi nợ thuế hiệu quả, góp phần nợ đọng thuế không vượt quá 5% so với tổng số thực hiện thu ngân sách năm 2021 như mục tiêu đã đề ra.

Bài, ảnh: Đức Huy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/tim-hieu-chinh-sach-thue/188389/kho-khan-quan-ly-thu-no-thue