Khó khăn tài chính, người học thạc sĩ, tiến sĩ phải chạy Uber làm thêm

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang gây ra tình trạng túng quẫn diện rộng đối với những người theo học các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ trên toàn thế giới, theo Nature.

 Căng thẳng tài chính có thể khiến nhiều người từ bỏ chương trình sau đại học. Ảnh: Nature.

Căng thẳng tài chính có thể khiến nhiều người từ bỏ chương trình sau đại học. Ảnh: Nature.

Trong cuộc khảo sát toàn cầu năm 2022 của Nature với 3.253 học viên sau đại học, 85% người trả lời lo lắng về chi phí tiền thuê nhà, mua thức ăn và các chi phí khác. Gần một nửa (45%) số người được hỏi đồng ý chi phí sinh hoạt tăng cao có thể khiến họ từ bỏ chương trình sau đại học.

Trong các câu trả lời bằng văn bản, người học thạc sĩ, tiến sĩ kể về những khó khăn giữa việc tiếp tục đi học và cố gắng kiếm sống. Các câu trả lời từ Bengaluru (Ấn Độ) và Boston (Mỹ) cho rằng căng thẳng tài chính này khó lắng xuống.

Ông Nathan Garland - nhà toán học tại Đại học Griffith (Brisbane, Australia) - cho biết căng thẳng tài chính có xu hướng tồi tệ hơn thay vì giảm hoặc giữ nguyên.

Tiền là vấn đề thực sự lớn

Mối quan tâm về tài chính đặc biệt phổ biến ở Bắc Mỹ - nơi hơn 3/4 (76%) người được hỏi liệt kê chi phí sinh hoạt tổng thể là một trong những khía cạnh thách thức nhất của việc học. 95% những người được hỏi ở Bắc Mỹ đồng ý chi phí sinh hoạt tăng là mối lo ngại.

Một nghiên cứu sinh ngành Sinh học ở Mỹ kể anh khó tập trung vào nghiên cứu, giảng dạy, cố vấn, viết bài, xin trợ cấp khi thậm chí còn không có đủ tiền ăn. Một học viên cao học khác nói rằng anh cảm thấy không được coi trọng như một nhà nghiên cứu khi phải lo lắng về việc trả tiền sửa xe hoặc nhận hàng tạp hóa từ ngân hàng thực phẩm. Người này kiệt sức vì chi phí sinh hoạt hơn là công việc nghiên cứu.

Carly Golden là nghiên cứu sinh tại ĐH Boston - ngôi trường tọa lạc tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất nước Mỹ. Golden nhận được khoản trợ cấp 40.000 USD/năm - con số được cho là thấp hơn nhiều so với chi phí sinh hoạt.

 Carly Golden nhận được khoản trợ cấp 40.000 USD/năm - con số được cho là thấp hơn nhiều so với chi phí sinh hoạt. Ảnh: Nature.

Carly Golden nhận được khoản trợ cấp 40.000 USD/năm - con số được cho là thấp hơn nhiều so với chi phí sinh hoạt. Ảnh: Nature.

“40.000 USD/năm gần với mức nghèo ở Boston. Tại Boston, mức lương đủ sống cho một người trưởng thành là gần 47.000 USD/năm. Tôi đã dành hơn 60% tiền trợ cấp cho việc thuê nhà”, Golden nói.

Nghiên cứu sinh này cố gắng tiết kiệm tiền bằng cách ở ghép. Tuy nhiên, cô cần không gian yên tĩnh để có thể học tập tốt. Golden có thể tiết kiệm hơn nếu chuyển đến ngoại ô, nhưng nếu làm vậy, cô phải mất một giờ di chuyển đến phòng thí nghiệm.

Nhà sinh thái học xã hội Amit Kurien đã thực hiện cuộc khảo sát ngay sau khi nhận bằng tiến sĩ tại Ashoka Trust for Research in Ecology and Environment (Bengaluru, Ấn Độ). Ông Kurien cho biết tại Ấn Độ, thạc sĩ, tiến sĩ mới nhận bằng thường phải sống ở những khu vực có chi phí cao nhất và họ phải chật vật kiếm sống từng ngày.

Công việc thứ 2

Ở Australia, hầu hết người học thạc sĩ, tiến sĩ có thể xoay xở chi phí hoặc nhận được sự giúp đỡ từ gia đình, theo ông Nathan Garland.

“Sau khi tốt nghiệp, nhiều thạc sĩ, tiến sĩ nhận giảng dạy tại các trường để có thể chi trả hóa đơn. Các trường đại học có thể sử dụng lao động này rẻ hơn thay vì thuê nhân viên cố định”, ông Garland nói.

Tuy nhiên, theo tính toán, tiền lương của học viên mới tốt nghiệp ở Australia tương đương với khoảng 2/3 mức lương tối thiểu quốc gia, buộc nhiều người phải làm thêm bên ngoài trường đại học để kiếm thêm thu nhập. Một số người lựa chọn lái xe công nghệ hoặc làm việc tại một cửa hàng bánh pizza.

Gần 1/4 người trả lời khảo sát của Nature nói rằng họ có công việc thứ 2. Đây có thể được coi là dấu hiệu cho thấy họ muốn tiếp tục chương trình sau đại học. Số lượng học viên cao học làm thêm bên ngoài nhiều hơn nghiên cứu sinh. Nguyên nhân là tiền lương của họ thấp hơn và có sự linh hoạt hơn so với người học tiến sĩ.

Ethan Solomon, học viên cao học tại Đại học Toronto (Canada), nói rằng không có điều gì trong hợp đồng cấm anh có một công việc ngoài việc học, điều này khác với người học tiến sĩ.

Solomon kiếm thêm tiền bằng cách làm đại sứ thương hiệu, quảng bá sản phẩm, phát áo phông và các mặt hàng quảng cáo tại các sự kiện. Công việc thường diễn ra cuối tuần. Solomon cho rằng nó không ảnh hưởng đến công việc trong phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, Solomon sẽ dừng lại sau khi hoàn thành học thạc sĩ. Anh cho rằng bản thân không thể đối mặt với mức lương nghèo khó trong 4-5 năm nữa để lấy bằng tiến sĩ.

Tương tự, trong cuộc khảo sát, chỉ hơn một nửa số học viên cao học nói rằng họ dự định tiếp tục theo học chương trình tiến sĩ.

 Nhiều người học thạc sĩ, tiến sĩ phải tìm kiếm thêm ngoài trường đại học để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Collegiate parent.

Nhiều người học thạc sĩ, tiến sĩ phải tìm kiếm thêm ngoài trường đại học để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Collegiate parent.

Nợ tốt nghệp

Gần 1/5 số người được hỏi cho biết họ tích lũy nợ trong khi nghiên cứu, một số người lên đến hàng chục nghìn USD. Trong khi đó, 11% không chắc liệu họ có gặp phải nợ nần khi cố gắng hoàn thành chương trình học hay không. 71% nói rằng họ không muốn lâm vào cảnh nợ nần, dù nhóm này có khả năng bao gồm nhiều sinh viên được gia đình hỗ trợ.

Carly Golden cho biết nếu không tích lũy sẵn tiền trước khi học cao học, cô có thể phải vay tiền để theo đuổi chương trình.

Đáng chú ý, 33% người có người phụ thuộc dự kiến mang nợ trong quá trình học. Jayson Lusk, nhà kinh tế học tại Đại học Purdue (Mỹ), cho biết học viên có gia đình dễ rơi vào cảnh nợ nần.

Tháng 11/2020, một cuộc khảo sát thu thập hơn 1.400 câu trả lời từ người đã tốt nghiệp tại Đại học Purdue cho thấy học viên không có người phụ thuộc có mức tiết kiệm trung bình hơn 1.100 USD/năm. Trong khi đó, học viên có người phụ thuộc có mức thâm hụt trung bình hàng năm hơn 20.000 USD.

Cuộc khảo sát của Đại học Purdue cho thấy những sinh viên mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn trong sự nghiệp thường ít có khả năng tiết kiệm tiền trong khi học. Một số người coi việc học là khoản đầu tư, sẵn sàng vay vốn để kiếm nhiều tiền hơn trong tương lai.

Từng bước cải thiện

Một số tổ chức đang thực hiện các bước để giúp sinh viên theo kịp với chi phí gia tăng.

Amy Dashwood, nghiên cứu sinh tại Viện Babraham, Đại học Cambridge (Anh), cho biết mức lương của cô tăng lên 250 bảng Anh mỗi tháng sau khi tham gia cuộc khảo sát. Viện Babraham cam kết từ ngày 1/10, nghiên cứu sinh đều kiếm được trên 19.000 bảng Anh/năm.

Cũng vào ngày 1/10, Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới (Anh) đã tăng mức lương tối thiểu của sinh viên lên 17.668 bảng Anh, tăng hơn 2.000 bảng Anh so với trước đây.

Dashwood nói nguồn tài trợ bổ sung sẽ giảm bớt phần lớn căng thẳng tài chính cho các khóa học sau đại học, giúp cô tập trung tốt hơn cho việc nghiên cứu.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kho-khan-tai-chinh-nguoi-hoc-thac-si-tien-si-phai-chay-uber-lam-them-post1370841.html