Khó khăn triển khai chương trình tích hợp
Năm học 2022-2023, TP HCM tiếp tục dừng tuyển sinh lớp 10 chương trình tích hợp tại 4 trường THPT do số thí sinh đăng ký nguyện vọng quá ít so với chỉ tiêu
Trước đó, năm học 2021-2022, cũng 4 trường THPT này dừng tuyển sinh lớp 10 tích hợp. Bắt đầu triển khai từ năm học 2018-2019 nhưng đến nay, vẫn ít học sinh (HS) mặn mà theo học chương trình tích hợp nên khó triển khai đại trà.
Dừng 2 năm liên tiếp
Theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM về nguyện vọng (NV) đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023, tổng số NV đăng ký thi vào lớp 10 tích hợp tại 13 trường THPT là 1.310, trong khi tổng chỉ tiêu tại 13 trường này là 945 chỉ tiêu. Tuy nhiên, số NV đăng ký không đồng đều giữa các trường khiến Sở GD-ĐT TP HCM phải ra thông báo dừng tuyển sinh lớp 10 tích hợp tại Trường THPT Võ Thị Sáu, Trường THPT Trần Hưng Đạo, Trường THPT Thủ Đức và Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp, 4 trường THPT này dù được giao chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không thể triển khai do số thí sinh đăng ký quá ít. Thống kê cho thấy năm học 2022-2023, chỉ có 32 NV đăng ký vào chương trình này ở 4 trường trên, trong khi tổng chỉ tiêu là 175. Năm học 2021-2022, tổng chỉ tiêu là 210 nhưng số NV đăng ký cũng èo uột.
Một cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM lý giải thành phố ban hành quy định nêu rõ lớp 10 chương trình tích hợp có sĩ số 25-35 HS/lớp nên nếu số lượng HS đỗ và nộp hồ sơ học tích hợp không đủ 25 trở lên thì nhà trường sẽ không mở lớp. Các HS đã nộp hồ sơ sẽ được xem xét chuyển về học tại trường khác có mở lớp tích hợp mà còn chỉ tiêu hoặc vẫn xét tuyển lớp 10 theo 3 NV hay chuyển đổi loại hình học tập khác cho phù hợp.
Chương trình lớp 10 tích hợp được triển khai tại TP HCM từ năm học 2018-2019 với 6 trường THPT thông báo tuyển sinh nhưng 1 trường ở quận 1 sau đó không thực hiện được. Dù mở rộng lên 8 trường vào năm học 2019-2020 và 12 trường vào năm học 2020-2021 nhưng không nhiều HS, phụ huynh mặn mà với chương trình này. Kết quả, ngoài dừng tuyển sinh ở một số trường, những trường thực hiện được phải tuyển bổ sung để duy trì sĩ số theo quy định. "Có trường hợp HS xin chuyển ra lớp thường hoặc xin chuyển trường" - hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1 cho biết.
Khó triển khai đại trà
Theo lãnh đạo các trường THPT tại TP HCM, chương trình tích hợp bậc THPT được thẩm định kỹ càng cả về đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo, đầu ra cho HS. Song, đây cũng là chương trình kén HS.
Ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), cho hay nhiều phụ huynh đánh giá cao chương trình thông qua kết quả học tập của HS. Hơn nữa, tiêu chí tuyển thẳng của một số trường ĐH cũng ưu tiên HS của chương trình này, nhất là các tiêu chí về tiếng Anh, nên phụ huynh khá yên tâm.
Tuy nhiên, theo hiệu trưởng các trường, dù được đánh giá khá ổn nhưng chương trình tích hợp vẫn khó triển khai đại trà. Bởi lẽ, ngoài vấn đề học phí cao, một lý do nữa là chương trình này hướng các em đi du học hoặc tham gia những chương trình đào tạo chất lượng cao sau phổ thông. Trong khi đó, phần lớn HS hiện nay chỉ có nhu cầu đậu ĐH.
Ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), nhận định do chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh nên để trúng tuyển vào lớp 10 tích hợp, HS phải thật sự có năng khiếu tiếng Anh và phụ huynh phải có năng lực tài chính cũng như có định hướng cho con em khi kết thúc bậc THPT. "Phụ huynh có xu hướng cho con đi du học sau khi kết thúc bậc THPT thì mới cho con em theo chương trình tích hợp" - ông giải thích.
Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho rằng chính vì kén HS nên những trường THPT khu vực trung tâm mới dễ tuyển sinh và HS cũng thích học ở những trường này vì ngoài chương trình tích hợp còn được thụ hưởng chương trình phổ thông tiếng Việt. Theo bà, cái khó hiện nay là làm sao để cân bằng cho những HS dù theo học tích hợp nhưng hướng đi sau THPT vẫn là thi vào các trường ĐH tại Việt Nam.
Tìm hướng cân đối 2 chương trình
Theo bà Vũ Thị Ngọc Dung, HS lớp 12 hệ thường sau khi kết thúc thời khóa biểu sẽ có thời gian ôn tập để tham gia các kỳ thi như tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH, CĐ. Song, HS tích hợp phải học 2 buổi theo chương trình của Anh, không còn thời gian ôn tập. "Qua khảo sát HS tích hợp đang học lớp 11 tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, nhiều em cho biết sẽ học ĐH tại Việt Nam. Nhà trường đang tính toán, học hỏi kinh nghiệm để cân đối 2 chương trình giảng dạy và ôn tập phù hợp để các em không thiệt thòi" - bà Dung cho hay.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/eo-uot-chuong-trinh-tich-hop-20220512220136341.htm