Khó khăn trong bảo đảm an toàn giao thông đường sắt
Tuyến đường sắt (ĐS) đi qua Quảng Bình có địa hình rất phức tạp, cùng với đó là thực trạng người dân qua lại ĐS bằng lối đi tự mở diễn ra thường xuyên, trở thành thói quen đã gây khó khăn, bất cập, làm ảnh hưởng lớn đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh. Khắc phục, xử lý vướng mắc và những vấn đề đặt ra trong bảo đảm ATGTĐS là 'bài toán' khó, rất cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan... Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, kinh phí lập hồ sơ quản lý hành lang ATGTĐS và cắm mốc giới hành lang ATGTĐS khu vực đô thị; kinh phí xử lý các vị trí vi phạm hành lang ATGTĐS tiềm ẩn TNGTĐS… là từ ngân sách nhà nước. Trong khi kinh phí xây dựng hàng rào, đường gom để thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở là của từng địa phương. Đây thực sự là thách thức lớn trước thực tế thiếu kinh phí để xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở mà tỉnh đang phải đối mặt.
Tuyến ĐS Bắc-Nam đi qua địa bàn tỉnh dài 175,2km, với 6 huyện, thị xã, thành phố và 42 xã, phường, thị trấn. Trên tuyến ĐS có nhiều đoạn đường cong bán kính nhỏ, tầm nhìn bị hạn chế về cả hai phía; gần 2/3 tuyến đường đi qua các vùng rừng, núi, đèo, dốc nguy hiểm. Nhằm bảo đảm TTATGTĐS, hàng năm, Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGTĐS tại các trường học, khu dân cư có tuyến ĐS đi qua. Đồng thời, vận động quần chúng nhân dân ở dọc hành lang an toàn ĐS không tự ý mở các đường ngang dân sinh tự phát, chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ khi đi qua các điểm giao cắt với ĐS.
Công an tỉnh đã tổ chức cho giáo viên, học sinh các trường học và hộ gia đình sinh sống dọc hành lang an toàn ĐS ký cam kết phối hợp trong công tác bảo đảm TTATGTĐS. Đặc biệt, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nỗ lực của lực lượng Công an tỉnh và Công ty CP ĐS Quảng Bình trong công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn TP. Đồng Hới không xảy ra vụ việc liên quan đến bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐS, hành lang ATGTĐS.
Trao đổi với phóng viên, thượng tá Đinh Cao Quang, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh cho biết: “Một trong những bất cập làm ảnh hưởng lớn đến công tác bảo đảm ATGTĐS đó là hầu hết người dân sinh sống, sản xuất dọc hai bên tuyến ĐS hàng ngày đều qua lại ĐS bằng lối đi tự mở, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGTĐS chưa cao. Hiện tượng người dân vi phạm pháp luật về ATGTĐS còn phổ biến, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đáng tiếc và sự cố uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu, như: Người dân điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý khi đi qua các vị trí giao cắt với ĐS; cố tình vượt qua đường ngang khi cần chắn đang tự động đóng; nằm, ngồi, chơi đùa trên ĐS; tình trạng trộm cắp vật tư, thiết bị ĐS và ném đất đá, chất bẩn lên tàu; chăn thả trâu, bò trên ĐS...”.
Theo số liệu từ Công an tỉnh, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ TNGTĐS, làm chết 8 người, bị thương 1 người; riêng năm 2023 xảy ra 4 vụ, làm chết 4 người. Con số này cho thấy tình hình TNGTĐS ngày càng diễn biến phức tạp và tăng lên. Tìm hiểu về nguyên nhân xảy ra các vụ TNGTĐS, được biết, bên cạnh ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT của một bộ phận người dân còn thấp thì một số địa phương chưa thật sự quan tâm, chủ động giải tỏa tầm nhìn tại các đường ngang và phối hợp rào chắn các lối đi tự mở qua ĐS.
Liên quan đến công tác bảo đảm ATGTĐS, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp nhưng trong quá trình triển khai quy chế, công tác phối hợp, chỉ đạo và thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT trên tuyến ĐS chưa mạnh, chưa thường xuyên... Quy chế phối hợp thực hiện và trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội chưa cụ thể, thiếu đồng bộ nên hiệu quả chưa cao; chủ yếu vẫn tập trung cho lực lượng Công an và ngành ĐS.
Công ty CP ĐS Quảng Bình được Tổng công ty ĐS Việt Nam đặt hàng bảo trì, quản lý kết cấu hạ tầng ĐS trên phạm vi tỉnh Quảng Bình, từ Km405+000-Km579+500, đi qua 19 ga, 5 hầm. Trên phạm vi đơn vị quản lý có 75 đường ngang hợp pháp; trong đó có 30 đường ngang có gác, 45 đường ngang cảnh báo tự động. Nhằm bảo đảm an toàn về mọi mặt, chạy tàu được thông suốt, hàng năm, công ty chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra liên ngành định kỳ các tuyến đường ngang; đồng thời, rà soát các đường ngang, lối đi tự mở, các điểm vi phạm hành lang ATGTĐS để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Công ty đã cử cán bộ thường trực 24/24 giờ để kiểm tra, giám sát camera, tập trung theo dõi, hướng dẫn, nhắc nhở nhân viên gác chắn đường ngang, tuần đường thực hiện nghiêm túc quy trình tác nghiệp. Qua kiểm tra, rà soát, công ty đã xác định 8 điểm tiềm ẩn TNGTĐS và đã tổ chức xử lý, thu hẹp, lắp đặt biển chú ý tàu hỏa, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại ĐS. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ vi phạm hành lang ATGTĐS và công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lập biên bản đình chỉ và ngăn chặn kịp thời.
Nói về thực trạng lối đi tự mở qua ĐS, Phó Giám đốc Công ty CP ĐS Quảng Bình Trương Hữu Mạnh cho biết: “Đầu năm 2023 đến nay, chúng tôi chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương liên quan xóa bỏ được 18 lối đi tự mở qua ĐS, hiện còn 121 lối đi tự mở. Công ty cũng đã trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương để tổ chức thu hẹp, rào chắn, nhưng khi rào chắn xong chỉ sau một thời gian ngắn lại bị người dân dỡ bỏ để qua lại khi đã bàn giao cho địa phương quản lý. Đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn gây TNGTĐS”.
Cũng theo ông Trương Hữu Mạnh, với số lối đi tự mở hiện còn nói trên, việc thực hiện Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ và lộ trình giảm dần, tiến tới xóa bỏ lối đi tự mở qua ĐS từ năm 2020-2025 của UBND tỉnh rất khó để hoàn thành theo kế hoạch.
Giải “bài toán” khó trong bảo đảm ATGTĐS, bên cạnh yếu tố về kinh phí, rất cần hệ thống chính sách, pháp luật hoàn thiện, phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGTĐS. Thực tế hiện nay, lực lượng CSGT Công an TP. Đồng Hới không được phân cấp, quản lý về TTATGTĐS đi qua địa bàn nên trong cơ cấu tổ chức của lực lượng CSGT thành phố không bố trí bộ phận chuyên trách theo dõi, quản lý mà chỉ có cán bộ kiêm nhiệm. Do đó, công tác bảo đảm ATGTĐS chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Các địa phương có tuyến ĐS đi qua cần quan tâm xây dựng kế hoạch, phương án tổng thể tổ chức giải tỏa, xóa bỏ dứt điểm các điểm vi phạm hành lang ATGTĐS và lối đi tự mở qua ĐS. Đối với các lối đi tự mở sau khi đã rào chắn xong, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tuyệt đối không được tháo dỡ và chấp hành nghiêm Luật Đường sắt. Tại các lối đi tự mở tiềm ẩn TNGTĐS, cần thực hiện ngay việc bố trí người cảnh giới khi có tàu qua, cắm biển cảnh báo, biển hạn chế phương tiện đường bộ, giải tỏa tầm nhìn, lắp đặt đèn, xây dựng gờ giảm tốc cảnh báo.