Khó khăn trong cai nghiện ma túy

Trong 147 học viên đang cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Cà Mau (Ấp 1, xã Khánh An, huyện U Minh) thì có hơn 10% tái nghiện lần 3, hơn 80% tái nghiện lần 2. Từ thực tế cho thấy, đây là vấn đề vô cùng nan giải không chỉ đối với ngành chuyên môn mà còn là hồi chuông báo động cho toàn xã hội về tình trạng nghiện ma túy ngày một tăng và trẻ hóa về độ tuổi trên địa bàn.

Học viên được học nghề để có điều kiện làm việc, có thu nhập khi tái hòa nhập cộng đồng.

Học viên được học nghề để có điều kiện làm việc, có thu nhập khi tái hòa nhập cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Sánh, Phó giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ (vì đa phần các đối tượng sau khi mãn thời gian cai nghiện tập trung tại cơ sở có số bỏ xứ đi xa), số còn lại tại địa phương có tới 90% tái nghiện. Nguyên nhân là các đối tượng này khi ra khỏi cơ sở một phần không có việc làm, thiếu sự quan tâm của xã hội, cộng thêm bạn bè săn đón... nên không vượt qua được cám dỗ".

Ng. M. T (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) nghỉ học từ rất sớm, theo bạn bè tụ tập ăn chơi rồi dính vào ma túy đá lúc nào không hay. Gia đình động viên đưa T đi cai nghiện. Năm 2017, T bắt đầu cai nghiện đợt 1. Qua 18 tháng ở cơ sở, T hoàn toàn dứt ra được với cái “chết trắng”, nhưng khi tái hòa nhập cộng đồng, T lại tái nghiện. Năm 2019, T lại vào cai nghiện đợt 2 với thời gian 20 tháng và rồi T lại tiếp tục nghiện. Hiện tại, T đã vào cơ sở cai nghiện đợt 3 được 13 tháng.

Trong suốt buổi trò chuyện, T xem việc mình nghiện ngập là chuyện rất bình thường.

Qua trao đổi được biết, gia đình T có 3 anh em, T là con út được cha mẹ rất cưng chiều. Các anh chị đã có gia đình và đã ở riêng, chỉ riêng T sống chung ba mẹ. Hàng ngày, thay vì phụ giúp cha mẹ già tu bổ vuông tôm để lo phát triển kinh tế thì T lại theo bạn bè tụ tập chơi bời, mặc cho cha mẹ khóc hết nước mắt. Tôi hỏi vì sao T có thể tái nghiện nhanh như thế, T chỉ trả lời ngắn gọn “do buồn”. Ở tuổi 28, độ tuổi đẹp nhất của thời thanh xuân nhưng gần phân nửa quãng thời gian T đã gắn cuộc đời mình với "nàng khói nâu" để rồi tương lai cũng chẳng biết đi về đâu!

Sau khi cắt cơn thành công, các học viên được cho ra ngoài lao động, làm việc.

Sau khi cắt cơn thành công, các học viên được cho ra ngoài lao động, làm việc.

Ở cơ sở cai nghiện, độ tuổi trung bình từ 18-35 chiếm số nhiều, nhưng riêng trường hợp của anh D. Tr. Th (Năm Căn) đã 42 tuổi và cũng là đối tượng nhiều lần vào, ra cơ sở cai nghiện như “ăn cơm bữa”.

Anh Th cho biết, trước đây anh cũng từng có một gia đình hạnh phúc, có vợ đẹp và con ngoan, có công việc ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng vì không cưỡng lại được sự cám dỗ của ma túy nên anh đã sa ngã. Người vợ tào khang đã ở bên anh và giúp anh vượt qua giai đoạn khủng hoảng nhất của cuộc đời khi anh đi cai nghiện lần 1 ở Bến Tre.

Cứ ngỡ hạnh phúc sẽ lại mỉm cười với anh, nhưng anh lại một lần nữa sa vào con đường nghiện ngập. Dù còn rất thương anh nhưng vợ anh cũng dứt áo ra đi để tìm tương lai cho con trẻ. Sau khi hết thời gian cai nghiện tập trung, anh về lại quê hương mở tiệm sửa xe nho nhỏ để trang trải cuộc sống. Nhưng mỗi lần nhớ vợ, nhớ con, anh lại tìm đến ma túy để quên và rồi anh lại bị bắt đưa đi cai nghiện tập trung lần 3.

Anh Th tâm sự trong nước mắt: “Ở tuổi này, tôi mới nhận ra thời gian không còn nhiều để cho tôi làm lại. Tôi tiếc phần tuổi trẻ đã bỏ phí, đi hoang. Những ngày sống ở đây tôi rất nhớ thương con của tôi nhưng lại không dám gặp vì sợ con mặc cảm, sợ bị người ta kỳ thị vì có người cha nghiện ngập”.

Ông Sánh chia sẻ: “Ngoài thời gian cắt cơn nghiện cho các đối tượng thì cơ sở cũng lên lịch cho các đối tượng ra lao động, rồi kết hợp với các trường, các trung tâm đào tạo, hướng dẫn nghề để họ có nghề, thuận lợi cho việc tái hòa nhập cộng đồng. Nhưng thực tế cho thấy, nghề của họ học được ít có “đất dụng võ”. Thêm nữa, một phần vì xã hội còn kỳ thị đối với những đối tượng nghiện ngập, phần vì chính bản thân họ không vượt qua được cám dỗ...”.

Theo ghi nhận, thời gian qua cơ sở đã đào tạo nghề cho các học viên như nối mi, may gia công, hớt tóc. “Trong năm 2022, cơ sở mở thêm lớp may công nghiệp và phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau mở thêm lớp điện dân dụng để các học viên tìm được công việc thích hợp khi tái hòa nhập cộng đồng”, ông Sánh cho biết thêm.

Ðịnh hướng là thế, nhưng để con đường về với nẻo sáng của các đối tượng nghiện ma túy được rộng mở thì rất cần sự quan tâm của toàn xã hội, sự chở che của gia đình và hơn hết là sự phấn đấu từ chính bản thân của các đối tượng./.

Từ Thái Tâm

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/kho-khan-trong-cai-nghien-ma-tuy-a356.html