Khó khăn trong cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi miền núi
Địa hình phức tạp, diện tích gieo trồng manh mún, hệ thống công trình thủy lợi, hồ đập chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, thiếu đồng bộ, nhiều công trình xây dựng đã lâu chưa có kinh phí cải tạo, nâng cấp… là những khó khăn mà các Công ty TNHH MTV Thủy lợi phục vụ tưới, tiêu cho khu vực miền núi đang gặp phải. Để khắc phục, các đơn vị đã huy động mọi nguồn lực cho việc cải tạo, sửa chữa các công trình thủy lợi cũ, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do thiên tai gây ra... Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con nông dân vẫn rất cần cơ chế hỗ trợ đặc thù của tỉnh.
Có mặt tại Trạm bơm Đôn Nhân, thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Lập Thạch. Do được xây dựng đã lâu, nhiều ống dẫn, máy móc trong trạm đã có dấu hiệu xuống cấp. Mặt khác, thiết kế trạm bơm hiện không phù hợp, thuận lợi cho công tác tưới, tiêu. Tận dụng công trình cũ, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Lập Thạch phải nối thêm ống dẫn, gây phát sinh gấp đôi lượng điện năng sử dụng để bơm nước.
Trạm bơm hiện đang phục vụ tưới, tiêu cho 170 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Sông Lô. Do phát sinh nhiều bất cập trong quá trình vận hành, trạm bơm đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư cải tạo lại, tuy nhiên, do chưa bố trí được kinh phí nên dự án chưa thể triển khai.
Ông Đặng Văn Châu, Trưởng phòng Quản lý nước và Công trình, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Lập Thạch cho biết: “Công ty hiện đang quản lý 59 hồ đập lớn, vừa và nhỏ, 53 trạm bơm cố định và hơn 200 km kênh chính và kênh cấp 2, phục vụ tưới tiêu cho 33 xã trên địa bàn 2 huyện Sông Lô và Lập Thạch.
Đây là các xã chủ yếu có địa hình bán sơn địa, diện tích gieo trồng manh mún, trong khi đó, hệ thống thủy lợi, hồ, đập chủ yếu là vừa và nhỏ, thiếu đồng bộ. Do địa hình dốc, kênh mương phần lớn đi theo men đồi và khu dân cư, dẫn đến tình trạng bị vỡ lở, bồi lấp thường xuyên.
Vừa qua, công ty bàn giao lại 100% hệ thống thủy lợi nội đồng cho các địa phương quản lý theo chỉ đạo của tỉnh, do thiếu kinh nghiệm vận hành, khai thác sử dụng, công tác phối hợp tưới, tiêu giữa công ty với một số địa phương gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu nước phục vụ sản xuất của người dân.
Trong 10 năm gần đây, giá dịch vụ thủy lợi không thay đổi, trong khi doanh thu, chi phí SXKD của công ty phụ thuộc 100% từ nguồn dịch vụ công ích thủy lợi cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu kinh phí cải tạo, tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi”.
Để khắc phục khó khăn, đảm bảo nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất, trước mỗi mùa vụ, Công ty TNHH MTV thủy lợi Lập Thạch xây dựng kế hoạch cải tạo, tu sửa các công trình thủy lợi, do kinh phí hạn hẹp nên ưu tiên các công trình lâu năm, có dấu hiệu xuống cấp, tập trung vào các địa phương có vùng tưới thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước.
Năm 2021, công ty được Ban quản lý dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh đầu tư nâng cấp 5 hồ, đập. Năm 2022, công ty tiếp tục được WB8 tỉnh đầu tư nâng cấp 3 hồ, đập. Tuy nhiên, do chưa bố trí được kinh phí, một số hạng mục công trình thủy lợi xuống cấp vẫn chưa được thực hiện cải tạo, gây khó khăn trong công tác tưới, tiêu.
Phục vụ tưới, tiêu cho hơn 18.000 ha diện tích đất nông nghiệp thuộc địa phận 3 huyện: Tam Đảo, Tam Dương và Bình Xuyên, Công ty TNHH MTV thủy lợi Tam Đảo đang gặp khó khăn tương tự.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng phòng Quản lý nước và Công trình, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo cho biết: “Do địa hình phức tạp, các hồ chứa không thể hỗ trợ nguồn nước cho nhau vì bị chia cắt bởi đồi núi; một số vùng tưới lấy nước từ đập dâng ngang suối, hồ, đập nhỏ gặp khó khăn về nguồn nước do công trình không có khả năng trữ nước, hoặc trữ được lượng nước thấp, phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện thời tiết.
Ngoài ra, sau khi bàn giao thủy lợi nội đồng về địa phương quản lý, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác thủy lợi, chưa thành lập HTX, tổ hợp tác để quản lý, khai thác công trình thủy lợi; chưa thường xuyên nạo vét kênh mương nội đồng, bố trí đủ nhân lực làm công tác dẫn nước, dẫn đến việc cấp nước kéo dài, gây tổn thất điện năng, lãng phí nguồn nước, tăng chi phí vận hành hệ thống thủy lợi.
Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao nên còn xảy ra hiện tượng xả thải, xây công trình lấn chiếm vào công trình thủy lợi; các công trình thủy lợi hầu hết nằm ngoài trời, xa khu dân cư, gây khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ, dẫn đến hiện tượng bị mất cắp tài sản”.
Khắc phục khó khăn, năm 2021 Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo đã đầu tư cải tạo, nâng cấp 112 hạng mục công trình thủy lợi với kinh phí 2,48 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, công ty đã thực hiện cải tạo, tu sửa 41 hạng mục công trình thủy lợi với kinh phí 1,43 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đại diện công ty, do thiếu kinh phí, việc đầu tư cho các công trình thủy lợi hiện chưa được quan tâm đúng mức, gây khó khăn trong công tác vận hành.
Để các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu cho bà con nông dân, đặc biệt tại khu vực miền núi, tỉnh cần quan tâm, có chính sách đặc thù trong việc đầu tư hệ thống công trình thủy lợi khu vực miền núi.
Mặt khác, các Công ty TNHH MTV Thủy lợi phục vụ tưới, tiêu tại khu vực miền núi cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác vận hành, đảm bảo an toàn hệ thống công trình thủy lợi; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình thủy lợi trong thời gian tới.