Khó khăn trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở Sốp Cộp
Những năm qua, mặc dù đã thực hiện các giải pháp về công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình, song tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên và số cặp vợ chồng tảo hôn trên địa bàn huyện Sốp Cộp vẫn còn khá cao.
Để hiểu thêm về công tác dân số ở cơ sở của huyện Sốp Cộp, chúng tôi đã về xã Mường Lạn. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lò Thị Thương, cán bộ dân số xã, cho biết: Ở xã còn nhiều trường hợp sinh con thứ 3 và tảo hôn; một số cặp vợ chồng 30 - 40 tuổi có tới 5 - 7 người con, cá biệt có trường hợp đã có 8 - 10 con gái mà vẫn muốn sinh thêm để có con trai. Đây cũng là nguyên nhân của cái đói, cái nghèo đeo bám cuộc sống người dân. Xã đã chỉ đạo ban quản lý các bản lồng ghép tuyên truyền công tác dân số - KHHGĐ trong các buổi họp bản; đưa nội dung công tác này vào quy ước, hương ước để bà con cùng thực hiện... Tuy nhiên, do quan niệm lạc hậu phải có con trai nên tình trạng sinh nhiều con vẫn diễn ra.
Tiếp tục về xã Púng Bánh, trò chuyện với ông Lò Văn Chừng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã, được biết, do tư tưởng “Trọng nam khinh nữ”, phải có con trai để nối dõi tông đường, dẫn đến tình trạng sinh con thứ ba trở lên khá phức tạp. Đa số các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thường nghỉ ngơi, sinh hoạt tại nương, nên cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số bản khó tiếp cận để tuyên truyền các chính sách pháp luật về dân số.
Trao đổi về tình trạng này, ông Lường Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm Y tế Sốp Cộp, cho biết: Nhận thức của người dân về công tác dân số-KHHGĐ còn hạn chế, nên tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở huyện còn 1,8%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 24,3%; tỷ số giới tính khi sinh chênh lệch khá cao: 129 trẻ nam/100 trẻ nữ. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền về chính sách dân số của 135 cộng tác viên dân số tại các bản cũng còn nhiều hạn chế, bởi họ thiếu kỹ năng tuyên truyền, khả năng thuyết phục. Trong khi đó, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII, các xã thực hiện sáp nhập các bản, mỗi nhân viên y tế bản kiêm cộng tác viên dân số, nắm bắt địa bàn rộng, đông dân cư, một số người còn kiêm nhiệm các công việc khác... vì vậy, việc tuyên truyền công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở cơ sở thiếu sâu sắc.
Để tháo gỡ những khó khăn, Trung tâm Y tế huyện Sốp Cộp đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, trong đó chú trọng phối hợp với các tổ chức đoàn thể, như: Huyện Đoàn, Hội LHPN huyện và các xã tăng cường công tác tuyên truyền, với nhiều hình thức, lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp, hội nghị; tổ chức chương trình giao lưu về dân số - KHHGĐ; thành lập các câu lạc bộ về dân số: CLB gia đình không sinh con thứ 3, CLB không tảo hôn và không hôn nhân cận huyết thống... Ngoài ra, còn tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; treo pano, áp phích; hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, lựa chọn biện pháp tránh thai hiện đại phù hợp cho chị em, phụ nữ. Xây dựng 4 mô hình tuyên truyền không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống tại các xã khó khăn. Các trường học tổ chức hoạt động ngoại khóa về nội dung không tảo hôn và không hôn nhân cận huyết thống, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, triển khai chương trình kiểm soát dân số vùng biên, khám cấp phát thuốc đa vi chất cho phụ nữ mang thai; tổ chức chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn”. Qua các chiến dịch, đã khám, tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trên 3.000 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cấp phát miễn phí các phương tiện tránh thai hiện đại cho những người có nhu cầu...
Trong thời gian tới, huyện Sốp Cộp tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số - KHHGĐ để chuyển đổi hành vi dân số, góp phần ổn định dân số và xóa đói, giảm nghèo cho người dân huyện biên giới.