Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ về đích?

Theo tin từ Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), tính đến nay, 13 địa phương có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua đã bàn giao được 165,9/653,6km mặt bằng cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Theo kế hoạch, trước ngày 30-6-2020, 13 địa phương nằm trong Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đi qua phải hoàn thành toàn bộ công tác bàn giao mặt bằng. Thế nhưng, mới đây nhất, đánh giá từ Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ở nhiều địa phương đang chậm so với tiến độ yêu cầu, không đảm bảo tiến độ hoàn thành. Điều này nếu không sớm giải quyết chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ về đích của cả dự án lớn.

Mới bàn giao gần 166km mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

Theo tin từ Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), tính đến nay, 13 địa phương có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua đã bàn giao được 165,9/653,6km mặt bằng cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Cụ thể, dự án Cao Bồ - Mai Sơn địa phương đã bàn giao cho chủ đầu tư 11,4/15,2km; cao tốc Cam Lộ - La Sơn (75/98,3km); cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (9,5/78,5km); cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (70/101km).

Công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua chưa đạt tiến độ đề ra.

Công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua chưa đạt tiến độ đề ra.

“Theo kế hoạch, các địa phương dự kiến bàn giao đất nông nghiệp trước ngày 31-12-2019 và hoàn thành toàn bộ công tác GPMB trong quý 2-2020. Tuy nhiên, đến nay công tác GPMB chậm so với tiến độ yêu cầu, không đảm bảo tiến độ hoàn thành bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp trong năm 2019. Nếu các địa phương không đôn đốc quyết liệt các hội đồng GPMB, tiến độ bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý 2-2020 sẽ không đảm bảo”, đại diện Cục QLXD&CLCTGT cho biết và thông tin thêm về những khó khăn, vướng mắc từ địa phương cũng như Ban QLDA.

Cụ thể, sau khi thu hồi đất có nhiều phần diện tích đất nông nghiệp không còn khả năng canh tác (do không còn hệ thống kênh, mương tưới, tiêu nước), do vậy các hộ dân đề nghị thu hồi hết phần diện tích đất nêu trên; công tác GPMB của địa phương triển khai từ tháng 5-2019, tại một số địa phương đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư trước khi ban hành Văn bản số 11659/BGTVT-CQLXD ngày 5-12-2019 của Bộ GTVT với quy mô đường giao thông với bề mặt lớn 5,5m.

Hiện nay các hội đồng GPMB đang lúng túng chưa có phương án giải quyết. Thậm chí, với một số đoạn tuyến, do chưa có nhà đầu tư nên Ban QLDA không thể tiếp nhận được việc bàn giao mặt bằng.

Về nguồn vốn cho công tác đền bù GPMB, đại diện Cục QLXD&CLCTGT thông tin thêm, 10/11 dự án đã được cấp 5.191 tỷ đồng GPMB cho địa phương (kế hoạch vốn năm 2019). Riêng dự án Cao Bồ - Mai Sơn, nguồn vốn GPMB được bố trí trong dự án tuyến kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1. Hiện nay, các địa phương đã giải ngân 4.787,22 tỷ đồng (đạt 92,2%) cho công tác GPMB.

Không chỉ chậm trong khâu giải phóng mặt bằng, liên quan đến việc lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán các dự án, lãnh đạo Cục QLXD&CLCTGT cũng chỉ rõ những bất cập có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ. Cụ thể, đối với 3 dự án đầu tư công: Dự án Cao Bồ - Mai Sơn. Dự án Cam Lộ - La Sơn đã hoàn thành phê duyệt hồ sơ dự toán; Dự án cầu Mỹ Thuận Bộ GTVT đã phê duyệt 2/3 gói thầu phần đường dẫn.

Đối với 8 dự án PPP, các Ban QLDA dự kiến trình dự toán trong tháng 2-2020 và tháng 3-2020. Tuy nhiên, tiến độ này còn phụ thuộc vào tiến độ hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật sau phê duyệt và tiến độ thẩm tra dự toán. Dự kiến Cục sẽ hoàn thành công tác thẩm định và trình Bộ phê duyệt dự toán sau 30 ngày kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ dự toán do các Ban QLDA trình duyệt.

Song, theo yêu cầu của Bộ GTVT, tiến độ hoàn thành công tác trình duyệt dự toán trước 15-3-2020. Thế nhưng, ngày 26-12-2019, Bộ Xây dựng mới ban hành Thông tư số 10/2019/TT-BXD về định mức xây dựng nên các đơn vị tư vấn mất nhiều thời gian để cập nhật.

“Việc xác định đơn giá ca máy, đơn giá nhân công theo Thông tư của Bộ Xây dựng chưa được các địa phương ban hành làm chậm tiến độ lập dự toán của các đơn vị tư vấn. Do vậy tiến độ hoàn thành công tác trình duyệt dự toán theo yêu cầu của Bộ GTVT là không đáp ứng”, Cục QLXD&CLCTGT chỉ rõ.

Không để mặt bằng cản tiến độ dự án

Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT kiểm tra thực tế tình hình thi công dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình về công tác đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại địa phương.

Trên công trường dự án, ông Lê Trọng Thành, Giám đốc Sở GTVT Ninh Bình (chủ đầu tư) cho biết, cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn có một gói thầu xây lắp do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thi công. Dự án được triển khai xây dựng từ 2-12-2019 và dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Sau hai tháng thi công, phần đường của dự án đang triển khai thi công xử lý nền đường và đường gom. Đến nay, giá trị hoàn thành khoảng 90 tỷ đồng, đạt gần 8%.

Hiện nay, UBND huyện Ý Yên đã ký hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng khu tái định cư, nhưng chưa giải phóng được mặt bằng để xây dựng khu tái định cư, do vậy ảnh hưởng đến tiến độ GPMB của dự án.

Nhấn mạnh cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội thông qua và phải cơ bản hoàn thành giai đoạn trong năm 2021 nên dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn không thể chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ: Thời gian hoàn thành dự án không thể lùi. Các địa phương còn vướng mắc mặt bằng phải cam kết bằng văn bản thời gian hoàn thành bàn giao giải phóng mặt bằng làm cơ sở theo dõi, giám sát.

Đối với đoạn tuyến dự án đi qua địa bàn huyện Ý Yên (Nam Định), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu trong tháng 4-2020, chính quyền địa phương phải hoàn thành bàn giao phần mặt bằng còn vướng của 3 hộ dân tại khu vực xây dựng cầu Long Bình vượt sông Đáy cho nhà thầu thi công.

Nếu trong tháng 4-2020, địa phương không bàn giao mặt bằng, dự án sẽ không thể triển khai được công tác thi công các trụ cầu, dẫn tới công trình chậm tiến độ, lúc đó địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm", Bộ trưởng nói và cho biết, phần mặt bằng còn lại của dự án trên địa bàn tỉnh Nam Định sẽ phải hoàn thành trong tháng 6-2020.

Bộ trưởng cũng giao Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát tiến độ toàn bộ dự án, trong đó đặc biệt quan tâm đến 3 dự án đầu tư công; rà soát tiến độ giải phóng mặt bằng, khối lượng giải ngân cho giải phóng mặt bằng; việc sơ tuyển các nhà đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban QLDA hết sức quan tâm, phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án thành phần. Bên cạnh đó, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên các hạng mục đã hoàn thành để đảm bảo chất lượng công trình. Mọi công đoạn phải được làm công khai, minh bạch, theo đúng các quy định của pháp luật và các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/kho-khan-trong-cong-tac-giai-phong-mat-bang-se-anh-huong-den-tien-do-ve-dich-581225/