Khó khăn trong đảm bảo giao thông đường thủy
ĐBP - Hệ thống giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh ta hiện có 1 tuyến chính sông Đà, 2 tuyến nhánh là Nậm Lay và Nậm Mức, với tổng chiều dài 175km (điểm đầu thượng lưu là đập Thủy điện Sơn La và điểm cuối hạ lưu là đập Thủy điện Lai Châu). Hiện nay, hạ tầng giao thông đường thủy chưa được đầu tư; ý thức chấp hành Luật của người dân khi tham gia giao thông còn hạn chế nên công tác quản lý, đảm bảo giao thông đường thủy còn khó khăn.
Hệ thống giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu dùng để phục vụ nhu cầu đi lại, làm nương của người dân... Hoạt động giao thông đường thủy phụ thuộc vào mực nước của lòng hồ Thủy điện Sơn La. Phương tiện vận tải đường thủy chủ yếu là phương tiện phục vụ dân sinh do người dân tự đóng dựa trên kinh nghiệm; nhiều phương tiện chưa được đăng kiểm, đăng ký đầy đủ và một số phương tiện qua trao đổi mua bán dẫn đến mất hồ sơ, giấy tờ, gây khó khăn trong công tác quản lý, tiềm ẩn rủi ro trong quá trình vận hành, sử dụng. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 293 phương tiện đường thủy thuộc diện phải đăng ký song chỉ có 182 phương tiện thực hiện đăng ký (chiếm 62,11%); 147 phương tiện thuộc diện phải đăng kiểm song chỉ có 44 phương tiện thực hiện đăng kiểm lần đầu (chiếm 29,9%). Bên cạnh đó, phần lớn người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn, bằng lái phương tiện; không trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm.
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Sở thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương kiểm tra hoạt động của các cảng, bến, phương tiện. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải đường thủy. Tuy nhiên, do hiện nay hệ thống giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn chưa hoàn thiện (mới xây dựng hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu đối với tuyến sông Đà) nên công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Đối với việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện và cấp chứng chỉ chuyên môn, bằng lái phương tiện cho người điều khiển cũng rất khó khăn. Trong 2 năm (2018 - 2019), Sở Giao thông vận tải đã 2 lần cử đoàn công tác đến TX. Mường Lay và huyện Tủa Chùa tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ có phương tiện đăng ký, đăng kiểm và tổ chức lớp đào tạo, thi chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện thủy nội địa. Tuy nhiên, không có chủ phương tiện nào đăng ký thực hiện các nội dung trên với lý do không có kinh phí.
Đội Cảnh sát giao thông đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh) là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, Đội đã tích cực phối hợp với công an các huyện, thị xã và chính quyền các địa phương tăng cường thực hiện các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; tổ chức phát áo phao, phao cứu sinh cho các chủ phương tiện… Song hiệu quả tuyên truyền đạt thấp, công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Thiếu tá Lê Trung Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy cho biết: Hầu hết các phương tiện vận tải đường thủy lưu thông trên tuyến đều vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa. Bởi vì các phương tiện không được đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn. Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm lại chưa thể thực hiện được. Nguyên nhân một phần là do người dân không có tiền nộp phạt và nếu quyết liệt trong công tác xử phạt bằng giải pháp thu giữ phương tiện thì hệ thống kho bãi không đảm bảo. Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Đội đã tổ chức tuần tra kiểm soát trên tuyến sông Đà và lòng hồ TX. Mường Lay 343 lượt để tuyên truyền nhắc nhở các chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường thủy bảo đảm các điều kiện an toàn khi tham gia giao thông.
Một hạn chế hiện nay là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường thủy nội địa chưa được đầu tư đồng bộ. Theo Đề án Quy hoạch chi tiết cơ sở hạ tầng đường thủy nội địa Điện Biên giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định phê duyệt số 449/QĐ-UBND ngày 19/6/2014 của UBND tỉnh): Tuyến đường thủy nội địa Mường Lay - Tủa Chùa, gồm 2 tuyến: Tuyến chính trên sông Đà từ phường Sông Đà (TX. Mường Lay) đi Phi Giàng (xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa); tuyến nhánh trên sông Nậm Lay từ cầu Nậm Cản đến ngã 3 nối với sông Đà và trên sông Nậm Mức từ đập Thủy điện Nậm Mức đến ngã ba nối với sông Đà. Dọc tuyến sẽ được đầu tư xây dựng 2 cảng sông, gồm: Đồi Cao và Huổi Só do cấp tỉnh quản lý và 10 bến thủy cấp huyện quản lý, khai thác. Đến nay toàn tuyến được chưa đầu tư xây dựng theo quy hoạch; toàn tuyến mới có 6 bến đang hoạt động phục vụ nhu cầu dân sinh, gồm: Chi Luông, Cơ Khí (TX. Mường Lay); Cáng Chua, Pê Răng Ky, Huổi Lóng và Pắc Na (huyện Tủa Chùa).