Khó khăn trong dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến

Đối với việc dạy kết hợp trực tuyến và trực tiếp, thời gian cho việc dạy bài mới, cung cấp kiến thức mới hay củng cố kiến thức cũ của mỗi tiết học sẽ bị hạn chế hơn vì giáo viên phải dành nhiều thời gian vào việc kiểm tra, kết nối thiết bị dạy học cũng như ổn định nền nếp học sinh học trực tiếp tại lớp và học sinh học trực tuyến tại nhà. Bên cạnh đó, mặc dù việc dạy trực tiếp hoặc dạy trực tuyến đã quen thuộc với giáo viên nhưng khi kết hợp hai hình thức này để dạy cùng lúc cũng không phải giáo viên nào cũng làm tốt được.

Đối với việc dạy kết hợp trực tuyến và trực tiếp, thời gian cho việc dạy bài mới, cung cấp kiến thức mới hay củng cố kiến thức cũ của mỗi tiết học sẽ bị hạn chế hơn vì giáo viên phải dành nhiều thời gian vào việc kiểm tra, kết nối thiết bị dạy học cũng như ổn định nền nếp học sinh học trực tiếp tại lớp và học sinh học trực tuyến tại nhà. Bên cạnh đó, mặc dù việc dạy trực tiếp hoặc dạy trực tuyến đã quen thuộc với giáo viên nhưng khi kết hợp hai hình thức này để dạy cùng lúc cũng không phải giáo viên nào cũng làm tốt được.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các trường học trên địa bàn tỉnh đón học sinh đến trường tiếp tục học trực tiếp. Chỉ có một số ít trường, lớp do có học sinh thông báo bị nhiễm Covid-19 nên chuyển sang dạy học trực tuyến để bảo đảm tiến độ chương trình. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một tuần học sinh quay trở lại trường học, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh nói chung, trong các trường học nói riêng diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng cao. Vì vậy, ngành giáo dục và các nhà trường đã thực hiện dạy học thích ứng linh hoạt, an toàn, chuyển nhanh việc dạy và học sang hình thức kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến.

Đến tuần học thứ 3 sau kỳ nghỉ Tết, toàn ngành giáo dục TP Phủ Lý đã có hơn 30 giáo viên cùng trên 240 học sinh nhiễm Covid-19. Do số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh, thời điểm này, bên cạnh 100% trẻ mầm non được tạm nghỉ học và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tạm nghỉ học trực tiếp chuyển sang học trực tuyến theo quyết định của UBND tỉnh, trên địa bàn thành phố còn có 11 trường THCS như: Trần Phú, Lương Khánh Thiện, Tiên Tân, Liêm Tiết... cũng phải cho 100% học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 thực hiện học trực tuyến để bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh. Các trường THCS còn lại thực hiện học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.

Theo ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Phủ Lý, việc dạy học kết hợp đã được ngành giáo dục thành phố chuyển hướng nhanh, phù hợp với thực tế. Các giáo viên và học sinh thuộc diện F0, F1 có đủ sức khỏe vẫn tham gia dạy và học trực tuyến song song với việc dạy học trực tiếp theo thời khóa biểu trên lớp của các giáo viên khác. Tuy nhiên, quá trình triển khai dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến cũng đặt ra không ít khó khăn cho cả nhà trường, giáo viên.

Do nhiều giáo viên là F0, F1 nên các nhà trường phải xoay xở với khó khăn về bố trí giáo viên dạy học theo thời khóa biểu, khó khăn trong bố trí phương tiện dạy học theo hình thức dạy học kết hợp.

Về những khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học kết hợp, ông Trịnh Xuân Thắng lý giải: Khi giáo viên bị ốm, sức khỏe bị ảnh hưởng thì dạy học theo hình thức nào các nhà trường cũng đều khó khăn trong việc bố trí, phân công nhân lực chứ không riêng gì dạy học kết hợp như hiện nay. Nhất là trong điều kiện cấp học tiểu học và THCS của thành phố còn thiếu nhiều giáo viên, việc bố trí, phân công giáo viên dạy thay, dạy bù lại càng trở nên khó khăn hơn nhiều...

Mặc dù được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, nhưng việc dạy học kết hợp của Trường THPT A Kim Bảng và nhiều trường học khác vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, nhưng việc dạy học kết hợp của Trường THPT A Kim Bảng và nhiều trường học khác vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trên thực tế, trong thời gian theo dõi sức khỏe, các giáo viên là F1 đều cơ bản dạy học trực tuyến được nhưng nhiều giáo viên là F0 có sức khỏe giảm sút, mệt mỏi, ho, thậm chí mất giọng nên gần như không tham gia dạy được, buộc các nhà trường phải tăng cường động viên giáo viên dạy thay, dạy tăng giờ. Trong một số trường hợp quá căng về nhân lực, các nhà trường trên địa bàn thành phố đã phải tính đến chuyện dồn lớp để đủ giáo viên dạy theo thời khóa biểu. Nhưng từ đó lại nảy sinh không ít bất cập về việc bảo đảm sức khỏe cho giáo viên, việc tính kinh phí để trả cho giáo viên dạy tăng tiết, việc chất lượng dạy và học... Với giáo viên việc dạy tăng giờ hay việc dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến sẽ rất khó duy trì nếu phải thực hiện trong thời gian dài, liên tục.

Vào thời gian cao điểm, tại Trường THPT A Kim Bảng đã có tới hơn 170 học sinh và gần chục giáo viên nhiễm Covid-19. Thầy giáo Dương Việt Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến của nhà trường được triển khai với sự đồng bộ về hạ tầng cơ sở, bảo đảm mỗi lớp có đầy đủ ti vi kết nối mạng, các thiết bị dạy học trực tuyến đều có webcam. Do số lượng học sinh, giáo viên nhiễm Covid-19 nhiều nên 100% các lớp của trường đều tổ chức dạy học kết hợp. Nhà trường đã động viên đội ngũ giáo viên nâng cao ý thức trách nhiệm phối hợp thực hiện dạy thay, dạy bù khi cần; tăng cường các biện pháp kỹ thuật cho dạy học kết hợp; chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn và các đoàn thể phân công cán bộ, giáo viên hỗ trợ giáo viên là F0 trong quản lý các lớp học... Với học sinh cấp THPT, nền nếp và ý thức học tập, kể cả học trực tuyến tương đối ổn. Điều đó giúp giáo viên đỡ vất vả hơn. Song, nếu dạy và học trực tiếp kết hợp trực tuyến kéo dài cũng không thể tránh khỏi những khó khăn, nhất là với học sinh đầu cấp và học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, trong quá trình dạy, giáo viên vừa phải bảo đảm việc dạy học trực tiếp cho học sinh ở lớp, vừa phải tương tác với học sinh học trực tuyến nên bài giảng có lúc, có thời điểm sẽ khó theo kịp tiến độ. Giáo viên thực sự vất vả, thậm chí quá tải khi cùng một bài giảng nhưng phải thiết kế giáo án thành hai dạng và phải liên tục vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học khác nhau. Giáo viên đã có sự linh hoạt, khắc phục những khó khăn này bằng nhiều cách như chuyển hoàn toàn bài giảng sang dạng slide để chia sẻ thống nhất nội dung bài học cho cả hai nhóm học sinh học trực tiếp và trực tuyến nhưng yếu tố tương tác với tất cả học sinh vẫn còn hạn chế. Hơn thế, do đường truyền và thiết bị dạy học trực tuyến của một số cơ sở giáo dục có chất lượng không tốt nên trong các buổi học tình trạng mất kết nối, kết nối chập chờn, bài giảng bị ngắt quãng... xảy ra không phải là chuyện hiếm gặp. Giáo viên cũng không thể quán xuyến và quản lý hiệu quả học sinh học trực tuyến vì khi đang giảng bài, giáo viên không thể theo dõi hết xem học sinh học trực tuyến có tập trung nghe giảng hay làm việc riêng.

Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, việc triển khai dạy và học trực tuyến hay kết hợp theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến đang được ngành giáo dục và các nhà trường tổ chức bảo đảm phù hợp, an toàn. Tuy vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học, cần có những biện pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học, trong đó có dạy học kết hợp hiện nay.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/kho-khan-trong-day-hoc-ket-hop-truc-tiep-voi-truc-tuyen-59828.html