Khó khăn trong kiểm soát, xử lý xe vi phạm quá tải

Xe quá khổ, chở quá trọng tải cho phép là nguyên nhân dẫn đến việc các tuyến đường nhanh xuống cấp, hư hại. Vì vậy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác xử lý, giảm thiệt hại về cơ sở vật chất đường bộ.

Tăng cường tuyên truyền

Ngày 25/11/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT -TTg về “Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông” nhằm kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận tải chở quá tải gây mất an toàn giao thông (ATGT) và hư hại đường giao thông. Thực hiện Chỉ thị 32, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 389/KH-UBND, ngày 26/7/2017 về việc phối hợp kiểm soát, xử lý phương tiện vi phạm vận chuyển hàng quá khổ, quá tải trọng đường bộ.

Cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã bố trí biên chế cho cơ quan chức năng để thực hiện nhiệm vụ. Riêng đối với lực lượng Thanh tra Sở GT-VT được bố trí biên chế 26 người, gồm 9 công chức và 17 viên chức. Cùng với con người, tỉnh còn trang bị 1 trạm cân lưu động và 4 bộ cân xách tay cho Thanh tra Sở GT-VT thực thi nhiệm vụ.

 Lực lượng CSGT tỉnh kiểm tra trọng tải xe bằng cân xách tay trên quốc lộ 14

Lực lượng CSGT tỉnh kiểm tra trọng tải xe bằng cân xách tay trên quốc lộ 14

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền cho lái xe, chủ phương tiện, các chủ doanh nghiệp vật liệu xây dựng, doanh nghiệp vận tải các quy định của pháp luật trong vận tải hàng hóa. Cụ thể, Ban ATGT tỉnh đã tổ chức 7 lớp tập huấn thu hút 345 người tham gia; phát 900 cuốn thông tư, nghị định quy định về hoạt động kinh doanh vận tải; phát 1.500 tờ rơi về quy định xử phạt về tải trọng.

Đáng chú ý, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng 8 panô khổ lớn, nhiều bảng tuyên truyền về kiểm soát trọng tải đặt tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Ngoài ra, 188 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa được tổ chức ký cam kết không chở quá tải trọng cho phép, không tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe.

Chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phát động người dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT, với hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, thành phần, nhất là lái xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Xử lý nhiều vi phạm

Mặc dù có nhiều nỗ lực song tình trạng vi phạm về trọng tải xe, xe chở quá tải trọng cho phép trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra, nhất là trên 2 tuyến quốc lộ 14, quốc lộ 28 và nhiều tuyến tỉnh lộ.

Theo các cơ quan chức năng, trên thực tế số phương tiện vi phạm còn nhiều hơn, bởi các chủ phương tiện và lái xe luôn tìm đủ mọi cách để qua mặt lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ. Việc nhiều xe vi phạm chở quá tải là nguyên nhân chính gây hư hỏng đường, cầu cống và thậm chí gây mất ATGT. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân liên quan đến chở quá tải trọng và cơi nới thành, thùng xe, làm chết 7 người, bị thương 5 người.

Theo Sở GT-VT, để ngăn chặn tình trạng trên đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là việc duy trì hoạt động Trạm cân lưu động số 56. Tuy nhiên, theo Quyết định số 1221, ngày 26/7/2017 của UBND tỉnh, lực lượng CSGT, Thanh tra Sở GT-VT không còn phối hợp thực hiện nhiệm vụ tại trạm cân lưu động. Mặt khác, trong năm 2020, Sở GT-VT thực hiện tinh giản biên chế nên không còn đủ nhân lực duy trì Trạm cân lưu động số 56. nên việc thực hiện Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ gặp nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn, Sở GT-VT đã đề nghị UBND tỉnh bổ sung thêm biên chế để duy trì hoạt động của Trạm cân lưu động 56. Trong khi chờ đợi, Sở GT-VT tăng cường phối hợp với lực lượng CSGT và Chi cục quản lý đường bộ III để thực hiện nhiệm vụ.

Bài, ảnh: Hoàng Thanh

1,328

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/phap-luat-doi-song/kho-khan-trong-kiem-soat-xu-ly-xe-vi-pham-qua-tai-90717.html