Khó khăn trong nguồn cung máu hiếm

PTĐT - Theo số liệu của Bệnh viện đa khoa tỉnh trong lĩnh vực Huyết học- Truyền máu nói riêng và ngành y tế nói chung đang gặp khó khăn là thiếu máu hiếm...

PTĐT - Theo số liệu của Bệnh viện đa khoa tỉnh trong lĩnh vực Huyết học- Truyền máu nói riêng và ngành y tế nói chung đang gặp khó khăn là thiếu máu hiếm trong điều trị, cấp cứu. Nhiều trường hợp cấp cứu khẩn cấp nhưng không được điều trị ngay vì thiếu nhóm máu hiếm... Những người thuộc nhóm máu hiếm phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.Cách đây một tuần, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tiếp nhận bệnh nhân Đỗ Thị Thuận – 87 tuổi mang nhóm máu hiếm A Rh(-), cấp cứu trong tình trạng nguy kịch: tràn dịch, tràn khí màng phổi, viêm phổi, u phổi. Tuy nhiên, nhóm máu hiếm này không có sẵn trong kho máu của bệnh viện. Để có lượng máu điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ phải liên hệ với Viện huyết học Trung ương để có được nguồn máu dự phòng.

Đây là tình trạng xảy ra thường xuyên của khoa Huyết học- Truyền máu ( Bệnh viện đa khoa tỉnh) khi có bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm vào điều trị, vì số lượng máu hiếm trong kho dự trữ máu bệnh viện luôn thiếu, không có sẵn nên việc điều trị cho bệnh nhân là rất khó khăn. Theo Ths- Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh - Trưởng đơn vị Huyết học truyền máu, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Trong các đợt đi lấy máu, số lượng người hiến máu có nhóm máu hiếm là rất ít, thậm chí không có. Từ đầu năm đến nay chỉ có 3 người hiến máu có nhóm máu hiếm. Do hạn sử dụng của máu trong vòng 42 ngày, nên khi có máu hiếm thì không có bệnh nhân cần, mà khi có bệnh nhân cần máu hiếm lại không có. Vì vậy, những trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp chúng tôi sẽ liên hệ đến những người hiến máu có nhóm máu hiếm hoặc nhờ sự giúp đỡ từ Viện Huyết học Trung ương.
Thấp thỏm, lo âu là tâm trạng của những người thuộc nhóm máu hiếm mỗi khi bị ốm đau. Bạn Nguyễn Nhật Hoàng, 20 tuổi- Sinh viên trường Cao đẳng Dược chia sẻ: Mình biết mình thuộc nhóm máu hiếm B Rh(-) vào lần đi hiến máu ở trường. Trong gia đình, bố mẹ, anh em cũng không ai có cùng hệ máu giống mình, những lúc ốm, không may mà cần truyền máu thực sự cũng rất là lo lắng.Gần đây, tỷ lệ số người có nhóm máu Rh- có chiều hướng gia tăng trong khi lượng máu dự trữ vẫn còn thấp. Bởi lẽ, nhiều người vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc hiến máu, nhất là máu hiếm. Một số người có nhóm máu hiếm lầm tưởng hiến máu là mất máu, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nên còn có thái độ e dè.Hiện nay, ở nhiều địa phương trên cả nước đã thành lập các câu lạc bộ (CLB) máu hiếm là nơi để kết nối, kêu gọi những người có nhóm máu hiếm giúp đỡ nhau. Bởi vậy, trên địa bàn tỉnh cũng rất cần có một CLB như thế để cùng nhau chia sẻ những kiến thức về máu hiếm, trợ giúp nhau về nguồn cung máu hiếm những lúc sức khỏe nguy kịch.“Một giọt máu cho, một cuộc đời ở lại” hiến máu là nghĩa cử cao đẹp, là trách nhiệm của mỗi người, giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa hơn, tươi đẹp hơn.

Như Quỳnh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/201907/kho-khan-trong-nguon-cung-mau-hiem-165861