Khó khăn trong quản lý bến đò không phép trên địa bàn huyện Mường Lát
Với đặc điểm địa bàn là huyện giáp biên, địa hình chia cắt bởi tuyến sông Mã dài hơn 30 km. Thời gian qua, lợi dụng việc tích nước vùng lòng hồ Thủy điện Trung Sơn dâng cao và nhu cầu đi lại của bà con, một số bến đò ngang không phép hình thành, ngang nhiên chở khách qua sông, gây mất an toàn trong mùa mưa bão.
Dọc tuyến sông Mã, đoạn qua địa bàn huyện Mường Lát tồn tại không ít bến đò ngang, đa phần các bến đò này đều không phép. Cũng vì không phép, những bến đò trên gần như không được đầu tư, trang bị biển chỉ dẫn, cảnh báo nguy hiểm hay nội quy an toàn nào. Việc phương tiện chở khách thiếu trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh, các thiết bị an toàn, phương tiện không được đăng ký, đăng kiểm... đang là những tồn tại cần sớm được chấn chỉnh.
Có mặt tại xã Mường Lý, theo một người dân bản địa, tôi men theo con đường mòn dẫn xuống bến sông. Trời mưa, con đường nhầy nhụa, trơn trượt. Nhiều phương tiện xe máy, xe đạp phải gồng mình để di chuyển xuống bến. Anh Sùng A Lý - một khách đi đò mong mỏi Nhà nước sớm đầu tư con đường bê tông để bà con thuận lợi lên xuống bến đò. Cũng theo A Lý: "Nếu không đi đò qua sông thì người dân chỉ còn cách phải đi đường vòng, cung đường lên tới hơn 50km. Mình thấy cán bộ, thầy cô cũng phải lên đò qua sông mà. Giờ không đi đò thì sang sông bằng cách nào, chẳng nhẽ ngày nào cũng đi mấy chục cây số đường vòng”.
Mươi phút chờ đò, bến sông cũng đã tấp nập người, xe. Từ trên bến quan sát, con đò dẫu được trang bị áo phao đặt phía bên mạn thuyền nhưng tuyệt nhiên không có khách mặc, cho đến khi có cán bộ nhắc nhở. Tìm hiểu được biết, chủ phương tiện là anh Ngân Văn Mạnh. Phương tiện được anh Mạnh đầu tư thuê đóng tại tỉnh Hòa Bình với giá 80 triệu đồng, đến nay đã hoạt động được 5 năm. Anh Mạnh cho biết, khách qua sông thường đông hơn vào những chuyến đầu giờ buổi sáng và cuối giờ chiều, còn trung bình mỗi chuyến có khoảng mươi lượt khách.
Nói về các quy định để hoạt động chở khách, anh Mạnh thừa nhận, hiện tại phương tiện của anh chưa có đăng ký, đăng kiểm và bản thân anh cũng chưa có chứng chỉ chuyên môn. Anh Mạnh mong muốn được các cấp thẩm quyền tạo điều kiện để anh sớm hoàn tất các thủ tục theo quy định.
Theo ông Quách Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý: Chính quyền địa phương cũng như lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện tuân thủ quy định về hoạt động vận chuyển khách ngang sông, phương tiện hoạt động phải có đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phải có chứng chỉ chuyên môn và trang bị áo phao, dụng cụ nổi cho người đi đò, không chở quá số người quy định. Tuy nhiên, để đưa hoạt động vận tải hành khách vào khuôn khổ, đảm bảo an toàn, cần sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp ngành chức năng.
Chứng kiến những chuyến đò chùng chiềng, chao đảo vượt sông khiến chúng tôi không khỏi rùng mình, bất an. Thế nhưng không chỉ bến đò của anh Mạnh, mà tại xã Mường Lý còn có tới 4 bến đò không phép khác vẫn đang tồn tại. Qua trao đổi với người dân, chính quyền nơi đây, thực tế cho thấy, dù là những bến đò không phép, nhưng nó lại tồn tại như những bến đò, phương tiện không thể thay thế của người dân.
Theo thống kê của UBND huyện Mường Lát, hiện nay trên địa bàn có 13 bến đò ngang sông Mã thuộc địa bàn các xã Trung Lý, Mường Lý. Những bến đò nơi đây chủ yếu do người dân mở để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con và đều không có giấy phép mở bến. Các phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, 7/13 trường hợp chủ các phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn phương tiện thủy nội địa. Mặc dù là không phép, việc hoạt động của các phương tiện này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng để xử lý, dẹp bỏ vẫn đang là bài toán khó đối với các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan hữu trách.
Ông Phạm Quang Đại, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Lát, cho biết: Thời gian qua, các đơn vị quản lý đường thủy nội địa đã nỗ lực phối hợp với Đồn Biên phòng Trung Lý, Công an huyện Mường Lát, chính quyền các địa phương tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định, văn bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy; tổ chức cho các tổ phương tiện ký cam kết về việc chấp hành các quy định của pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Lý giải việc các bến đò thiếu các trang thiết bị như biển chỉ dẫn, cảnh báo, nội quy, theo ông Đại, đây là những bến đò không phép nên việc đầu tư là không có cơ sở. Để sớm giải quyết những bất cập trên, cần sự hỗ trợ trong rà soát, đánh giá và đầu tư xây dựng các bến đò này một cách chính quy, tạo điều kiện để các chủ phương tiện hoàn tất các thủ tục đăng ký, đăng kiểm cũng như các chứng chỉ chuyên môn... theo quy định.