Khó khăn trong quản lý thị trường thuốc bảo vệ thực vật

Chỉ khoảng 1 giờ đi kiểm tra một số điểm bán hàng của người dân tại chợ trung tâm thị trấn Bắc Hà, các cán bộ Đội Quản lý thị trường số 3 đã lập biên bản thu giữ hơn 10 kg thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc. Khi thu giữ mặt hàng này, lực lượng quản lý thị trường không thể xử lý chủ hàng vì người bán vứt bỏ hoặc không nhận là hàng của mình.

Theo đại diện Đội Quản lý thị trường số 3 thì trong thời gian qua, đội đã siết chặt quản lý buôn bán mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều hộ kinh doanh, buôn bán mặt hàng này đã bị xử lý do sai phạm các quy định về giấy phép kinh doanh, khu vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật tại chợ phiên Cốc Ly (Bắc Hà).

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật tại chợ phiên Cốc Ly (Bắc Hà).

Mới đây, tại chợ phiên xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà), chị Ma Thị May (xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng) bị lực lượng chức năng lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 3 triệu đồng do buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không đúng nơi quy định (theo chứng nhận thì chị Ma Thị May chỉ được phép bán tại xã Thái Niên). Chị Ma Thị May lý giải: Do không hiểu hết các quy định về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nên đã vi phạm và bị xử phạt hành chính.

Năm 2019, chị May được cấp giấy chứng nhận kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và đến tháng 6/2021 bắt đầu bán tại các chợ. Sau khi bị xử lý, chị May mới biết giấy phép kinh doanh quy định chỉ được bán tại nhà.

Ông Vũ Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 cho biết: Việc xử lý các hộ vi phạm về địa điểm kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đang gặp nhiều khó khăn vì những hộ này đã kinh doanh ở chợ từ nhiều năm nay, nếu cấm bán thì họ sẽ thiệt hại về kinh tế. Một khó khăn nữa đối với lực lượng quản lý thị trường là việc xử phạt các hộ kinh doanh có điều kiện này rất khó vì mức phạt cao, nhiều hộ không thể nộp phạt.

Mới đây tại huyện Bát Xát, Đội Quản lý thị trường số 2 đã bắt giữ lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại xã A Mú Sung: 227 chai, 60 gói thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu có thể tích từ 50 ml đến 1,1 lít; 680 gói thuốc diệt chuột (tổng là 105 lít và 1,88 kg thuốc bảo vệ thực vật). Đây là vụ bắt giữ số lượng lớn nhất từ trước đến nay tại huyện mà đơn vị có thể xử phạt vi phạm hành chính với chủ hàng, mức xử phạt vi phạm hành chính là 12 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật, bàn giao cho Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tiêu hủy theo quy định.

Ông Nguyễn Trọng Trung, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) cho biết: Tại Bát Xát, do đường sá đi lại khó khăn nên công tác kiểm tra, kiểm soát chưa kịp thời. Mặt khác, khi kiểm tra, các đối tượng thường vứt hàng bỏ chạy khi nhìn thấy lực lượng chức năng nên chỉ thu được hàng vô chủ, số lượng ít. Sau khi bắt giữ, việc xử lý tang vật là thuốc bảo vệ thực vật rất khó do đội không có kho lưu giữ trong thời gian đợi bàn giao, các loại thuốc lại có chứa chất độc nên nguy hiểm với sức khỏe cán bộ, các hộ trong khu vực.

Xử lý vi phạm hành chính và tuyên truyền cho chủ quầy hàng thuốc bảo vệ thực vật tại chợ phiên Cốc Ly (Bắc Hà).

Xử lý vi phạm hành chính và tuyên truyền cho chủ quầy hàng thuốc bảo vệ thực vật tại chợ phiên Cốc Ly (Bắc Hà).

Để quản lý hoạt động kinh doanh mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã có kế hoạch cụ thể và giao nhiệm vụ cho các đội thường xuyên kiểm tra, kiểm soát theo thực tế mùa vụ buôn bán tại các địa bàn. Qua triển khai tại cơ sở, trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã xử lý 11 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 20 triệu đồng và thu giữ, bàn giao tiêu hủy giá trị hàng hóa hơn 170,3 triệu đồng, trong đó có hơn 407 lít thuốc bảo vệ thực vật dạng lỏng và 288,8 kg thuốc bảo vệ thực vật dạng bột.

Bà Trịnh Ngọc Ánh, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Từ nay đến cuối năm,các đội quản lý thị trường sẽ phối hợp với ngành chức năng và các địa phương tăng cường phòng, chống buôn lậu; sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng; hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, đồng thời phối hợp trao đổi thông tin nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

Từ thực tế trên cho thấy, công tác quản lý buôn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan và các địa phương. Ngành chức năng cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lực lượng tham gia xử lý thuốc bảo vệ thực vật, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và bảo vệ sức khỏe người dân.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/214171-kho-khan-trong-quan-ly-thi-truong--thuoc-bao-ve-thuc-vat