Khó khăn trong sắp xếp cán bộ sau sáp nhập xã ở huyện Mai Châu
Theo thống kê, sau thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, huyện Mai Châu dôi dư trên 130 cán bộ, công chức và 120 cán bộ không chuyên trách. Do vậy, thời điểm này, việc sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập được đặc biệt quan tâm.
Theo Kế hoạch số 67, ngày 28/5/2019 của UBND huyện Mai Châu, huyện triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện đối với những xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số; chưa đạt 30% tiêu chuẩn về dân số; chưa đạt 20% tiêu chuẩn về diện tích được quy định tại Nghị quyết số 1211, ngày 25/6/2016 của UBTV Quốc hội. Đồng thời, huyện cũng thực hiện sáp nhập với những đơn vị hành chính cấp xã có vị trí địa lý giáp ranh, có điều kiện thuận lợi quy hoạch phát triển đô thị trong tương lai vào đơn vị hành chính đô thị hiện có để thành lập đơn vị hành chính đô thị mới có quy mô hơn, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị, góp phần nâng tỷ lệ đô thị của huyện.
Thực hiện kế hoạch, huyện Mai Châu tiến hành sáp nhập xã Đồng Bảng và Tân Sơn; Thung Khe, Pù Bin và Noong Luông; Ba Khan, Phúc Sạn và 2 xóm (Suối Lốn, Mó Rút) của xã Tân Mai; Tân Mai và Tân Dân; Bao La và Piềng Vế; Nà Mèo và Nà Phòn. Sau khi sắp xếp, tổ chức lại, huyện Mai Châu có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 1 thị trấn và 15 xã, giảm 7 đơn vị so với hiện nay.
Quá trình thực hiện lấy ý kiến cử tri, ngoài những băn khoăn về việc làm các thủ tục hành chính sau sáp nhập, tên đơn vị hành chính mới…, cử tri huyện Mai Châu đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ. Đồng chí Hà Văn Biên, Bí thư Đảng ủy xã Nà Mèo cho biết: Vừa qua, 100% cử tri của xã tham gia hội nghị lấy ý kiến, trong đó tỷ lệ cử tri đồng ý với việc sáp nhập xã lên đến 96,5%. Tuy nhiên, bà con cũng trăn trở, mong mỏi làm sao tỉnh, huyện có phương án, chính sách thỏa đáng cho cán bộ, công chức dôi dư tại các xã sau sáp nhập và chọn ra đội ngũ phù hợp để quản lý vận hành xã mới với quy mô, tính chất mới.
Đồng chí Hà Thị Hân, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện cho biết: Những năm qua, huyện Mai Châu đẩy mạnh tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, huyện dừng việc bổ nhiệm mới. Tuy nhiên, theo thống kê, sau sáp nhập, số cán bộ dôi dư trong toàn huyện vẫn khá cao, lên đến 133 người.
Sau khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, đơn vị hành chính mới gồm các xã: Thung Khe, Pù Bin, Noong Luông có lượng cán bộ dôi dư nhiều nhất trong toàn huyện, với 37 cán bộ, công chức. Việc lựa chọn người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cho đơn vị hành chính mới sau sáp nhập tại đây cũng rất khó khăn do cán bộ của các xã kể trên đều còn trẻ, có năng lực, trình độ chuyên môn đảm bảo.
Nghị quyết số 32 của Chính phủ ban hành ngày 14/5/2019 về Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019 - 2021 ghi rõ: chậm nhất 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của UBTV Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, xã có hiệu lực thi hành thì số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định. Tuy nhiên, theo tính toán của huyện, dù linh hoạt trong luân chuyển, điều động cán bộ, công chức; thực hiện tạm dừng bầu, bổ nhiệm lãnh đạo, gắn với tinh giản biên chế thì đến năm 2026, số cán bộ dôi dư của Mai Châu vẫn còn khoảng 49 người.
Cũng theo đồng chí Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện, trước tình hình trên, Sở Nội vụ đã ban hành hướng dẫn việc sắp xếp cán bộ sau thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể, đối với những cán bộ có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, có năng lực, phẩm chất đảm bảo có thể xem xét điều chuyển lên công tác tại huyện. Song việc thực hiện chủ trương này cũng vướng bởi theo kế hoạch của UBND tỉnh, huyện Mai Châu đang phải tinh giản 10% biên chế.