Khó khăn trong sắp xếp dân cư vùng thiên tai, sạt lở ở Văn Bàn

Trong những năm gần đây, mưa, lũ trên địa bàn huyện Văn Bàn có chiều hướng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản và sinh mạng người dân.

Thôn Minh Thượng 1, xã Minh Lương bị thiệt hại nặng nề trong trận lũ ngày 17/4/2021.

Thôn Minh Thượng 1, xã Minh Lương bị thiệt hại nặng nề trong trận lũ ngày 17/4/2021.

Ở xã Minh Lương, khi nhắc đến hậu quả do mưa, lũ gây ra, nhiều người chưa hết bàng hoàng về trận lũ ống lịch sử xảy ra ngày 17/4/2021. Theo người dân địa phương, vào rạng sáng 17/4, lũ ống trên thượng nguồn suối Nậm Liệp đổ về tràn qua thôn Minh Hạ 1, cuốn theo đất, đá, cây cối, làm hư hỏng 25 nhà dân; làm chết hàng nghìn con gia súc, gia cầm và làm hư hỏng 50 xe máy của người dân. Đặc biệt, lũ ống đã làm 3 người chết và 1 người mất tích.

Sau trận lũ, huyện Văn Bàn đã rà soát và có kế hoạch di dời 5 hộ ở thôn Minh Hạ 1, xã Minh Lương nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới. Tuy nhiên đến nay, việc di dời vẫn chưa thực hiện được. Ông Ngô Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Minh Lương cho biết: Mặc dù các cơ quan chức năng và chính quyền xã đã vận động, tuyên truyền nhưng các hộ vẫn không muốn di dời đến nơi ở mới an toàn hơn, bởi các hộ này đều có nhà nằm ven Quốc lộ 279, giá trị cao và là địa điểm kinh doanh tốt. Chính quyền địa phương chỉ có thể khuyến cáo người dân sử dụng nhà kinh doanh chứ không ở cố định, nhất là trong mùa mưa, lũ.

Tại xã Hòa Mạc, từ mùa mưa năm 2020, tại thôn Làng Mạc xuất hiện một cung sạt lở lớn trên núi gây nguy hiểm cho 29 hộ, trong đó có 11 nhà dân đang nằm ở vị trí cực kỳ nguy hiểm (ngay dưới cung sạt lở). Theo ông Hà Văn Liêm, Trưởng thôn Làng Mạc, sau khi xuất hiện cung sạt lở, các hộ ở đây rất lo và đã kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện hỗ trợ di chuyển ra khỏi nơi nguy hiểm. Nhưng đã qua thêm 2 mùa mưa, lũ, nguyện vọng của người dân vẫn chưa được đáp ứng. Hiện các hộ đang sống trong cảnh nơm nớp vì “quả bom đất” treo lơ lửng, có thể ập xuống bất cứ lúc nào.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Mạc thông tin: Năm 2021, UBND huyện đã phê duyệt dự án sắp xếp dân cư tại thôn Trung Đoàn với diện tích hơn 1 ha, tổng kinh phí đầu tư 4,5 tỷ đồng để di chuyển 29 hộ nằm trong vùng nguy hiểm ở thôn Làng Mạc ra. Tuy nhiên, do khó khăn về giải phóng mặt bằng và nguồn vốn nên dự án này vẫn chưa được triển khai.

“Thời gian qua, nhiều đoàn công tác của các sở, ban, ngành và huyện đã trực tiếp kiểm tra và bàn phương án đẩy nhanh tiến độ dự án. Đầu tháng 7 vừa qua, UBND huyện lại quyết định điều chỉnh quy hoạch và di chuyển vị trí dự án sắp xếp dân cư từ thôn Trung Đoàn sang thôn Thái Hòa. Các thủ tục thực hiện dự án vẫn đang được xúc tiến…” - ông Hạnh cho biết thêm.

Vào mùa mưa lũ hằng năm, tình hình thiên tai xảy ra phức tạp trên địa bàn huyện Văn Bàn với những đợt mưa to dài ngày, mưa lớn cục bộ, khiến lũ ống, lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, hạ tầng và sản xuất. Cùng với đó, các điểm sạt lở xuất hiện ở các sườn núi khiến nhiều khu dân cư bị dọa. Trong năm 2020, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện Văn Bàn xảy ra nhiều đợt mưa lũ, làm 4 người chết, 1 người mất tích, 3 người bị thương. Thiên tai cũng làm hư hỏng 708 nhà dân, làm sập đổ hoàn toàn 17 nhà, ước tổng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Trước thực trạng đó, những năm qua, huyện Văn Bàn đã triển khai một số dự án sắp xếp, di chuyển dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, điển hình như Dự án thôn Nậm Cọ, xã Khánh Yên Thượng sắp xếp chỗ ở mới cho 48 hộ. Tuy nhiên, việc sắp xếp, di chuyển dân ra khỏi vùng thiên tai và có nguy cơ sạt lở ở huyện Văn Bàn vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn huyện Văn Bàn) cho biết: Huyện Văn Bàn còn gần 60 hộ cần sắp xếp ra khỏi khu vực có nguy cơ thiên tai cao, nhưng địa phương đang khó khăn về bố trí quỹ đất tái định cư và nguồn vốn.

Cung sạt lở tai thôn Làng Mạc, xã Hòa Mạc gây nguy hiểm cho 29 hộ dân.

Cung sạt lở tai thôn Làng Mạc, xã Hòa Mạc gây nguy hiểm cho 29 hộ dân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân khác khiến công tác này bị trở ngại là do tập quán sinh sống và canh tác, nhiều hộ ở các xã vùng cao thường sinh sống ở gần khe nước, ven bờ suối hoặc sườn núi để thuận lợi làm ruộng, nương, nhưng tại đây lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của các dạng thiên tai nêu trên. Bên cạnh đó, đa số hộ thuộc đối tượng phải di chuyển khỏi vùng nguy hiểm là hộ nghèo, hộ cận nghèo, thiếu kinh phí mua đất ở (nếu không được bố trí), mua tấm lợp và các vật liệu làm nhà tại nơi ở mới, nên không muốn đi khỏi nơi cũ.

Sắp xếp, ổn định dân cư là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm cụ thể hóa Đề án số 01 của Tỉnh ủy giai đoạn 2021 - 2025 về “Phát triển nông - lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới”. Các hộ sau khi được sắp xếp đến nơi ở mới phải đảm bảo tốt hơn nơi ở cũ, đủ điều kiện để ổn định cuộc sống lâu dài và phát triển kinh tế bền vững. Các dự án sắp xếp dân cư tập trung được đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Nay đã bước vào mùa mưa, lũ, nguy cơ thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bởi vậy công tác di chuyển, sắp xếp dân cư càng cấp thiết. Để làm tốt vấn đề này, cần sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện và sự tích cực của cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358755-kho-khan-trong-sap-xep-dan-cu-vung-thien-tai-sat-lo-o-van-ban