Khó khăn trong tái đàn lợn phục vụ nhu cầu thực phẩm Tết

PTĐT - Tết cổ truyền Canh Tý 2020 đã cận kề, nhu cầu về các loại thực phẩm phục vụ cho ngày Tết sẽ có sự gia tăng đáng kể, trong đó có thịt lợn. Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), số lợn trên địa bàn tỉnh có sự suy giảm nhưng nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, dịch bệnh đã được khống chế, số xã công bố hết dịch ngày càng tăng. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để cho người chăn nuôi tái đàn trở lại.

Người chăn nuôi mong muốn các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất giống có thể cung ứng con giống cho người có nhu cầu tái đàn trong giai đoạn hiện nay.

Đã qua hơn 4 tháng kể từ ngày con lợn cuối cùng của gia đình bị tiêu hủy do mắc bệnh DTLCP, ông Bùi Đức Hùng ở xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao vẫn thực hiện chặt chẽ các biện pháp khử trùng tiêu độc để có thể tái đàn sớm nhất khi đủ điều kiện. Tuy nhiên, đối với gia đình ông cũng như nhiều hộ chăn nuôi có quy mô vừa khác, việc tái đàn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, ông Hùng tâm sự: Những hộ chăn nuôi từ 100 con lợn thịt/lứa trở lên thường có đàn nái khoảng 10 con để chủ động nguồn con giống. Do bị ảnh hưởng của DTLCP, thời gian đầu, chỉ cần có 1 con bị mắc bệnh là chúng tôi tiêu hủy cả đàn, trong đó có cả đàn lợn nái nên đến giờ này hoàn toàn không còn con giống. Trong khi đó, việc mua lợn giống trên thị trường hiện nay rất khó bởi không biết cơ sở nào đủ điều kiện cung cấp con giống, cơ sở nào không. Đến nay, chúng tôi vẫn loay hoay tìm mua lợn giống đảm bảo chất lượng cho dù giá cao.
Không chỉ những hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, bệnh DTLCP thời gian vừa qua gần như xóa sổ đàn lợn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh, có những xã, phường gần như trắng đàn. Phó chủ tịch UBND xã Tam Cường, huyện Tam Nông Triệu Công Hoan chia sẻ: Thời điểm hiện tại, một số hộ chăn nuôi trên địa bàn xã có nhu cầu tái đàn trở lại nhưng rất khó khăn về con giống. Nguyên nhân chính là do đàn nái trong dân không còn do DTLCP. Hiện nay, giá lợn hơi đã lên đến mức kỷ lục dao động từ 74 nghìn đồng đến 78 nghìn đồng/kg, do đó, giá thịt lợn ở các chợ cũng lên theo, bình quân từ 125 nghìn đồng đến 165 nghìn đồng/kg. Còn trong các siêu thị như Coop Mark, VinMart, BigC… giá thịt còn cao hơn. Cùng với giá thịt lợn tăng cao thì những thông tin về việc thị trường Trung Quốc đang ráo riết mua lợn thịt cung cấp cho nhu cầu trong nước khiến nhiều người nuôi lợn đang nóng lòng muốn tái đàn.Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có trên 20 cơ sở sản xuất con giống đủ điều kiện cung cấp lợn giống cho chăn nuôi. Tuy nhiên, hầu hết trong số này là cơ sở sản xuất giống của các tập đoàn, công ty chăn nuôi lớn như CPI, DABACO, Minh Hiếu… Con giống của các doanh nghiệp này đa phần chỉ cung cấp nội bộ (nuôi trong các trang trại trực tiếp của công ty hoặc các trang trại nuôi gia công cho doanh nghiệp), hầu như không có doanh nghiệp nào trực tiếp bán con giống ra ngoài cho người dân có nhu cầu mua tái đàn. Do nhu cầu về lợn giống cao nên hiện nay giá lợn giống trên thị trường cũng ở mức kỷ lục. Trước đây, lợn giống đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật phải đạt trọng lượng từ 10kg trở lên có mức giá khoảng 3 trăm nghìn đồng đến 4 trăm nghìn đồng/con, hiện nay lợn giống khoảng 6 - 7kg đã có giá từ 1,9 triệu đồng đến hơn 2 triệu đồng trở lên/con. Chính vì giá lợn giống cao như vậy nên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có đủ lực để tái đàn.Vào thời gian này của những năm trước, hầu hết các hộ chăn nuôi đều đầu tư tái đàn, tăng đàn để phục vụ Tết nhưng năm nay, do bệnh dịch hoành hành, khá nhiều hộ chăn nuôi vẫn có tâm lý dè dặt, thận trọng khi tái đàn. Theo quy định, tại các địa phương đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, đã công bố hết dịch thì người chăn nuôi có thể tái đàn. Bà Phạm Thị Phương ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông chia sẻ: Dù có nhu cầu tái đàn thì hầu hết người chăn nuôi lợn tại xã chỉ tự cung tự cấp, tức là lợn nhà sinh sản ra đến đâu nuôi đến đó chứ không dám nhập lợn con từ bên ngoài về nuôi, nếu nhập lợn bên ngoài thì phải có nguồn gốc, giấy tờ rõ ràng. Những năm trước, giờ này gia đình tôi có khoảng 40 đến 50 con lợn thịt để bán Tết, nhưng năm nay vẫn chưa dám nuôi. Hiện nay, việc chăn nuôi lợn vẫn được xác định là một trong những loại vật nuôi chủ lực trong những năm tiếp theo của tỉnh. Theo dự kiến của ngành nông nghiệp, trong năm 2020, tổng đàn lợn của tỉnh sẽ phát triển lên mức 730 nghìn con, trong đó có khoảng 86,5 nghìn con lợn nái, đồng thời tiếp tục định hướng phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng khép kín từ lợn nái sinh sản đến lợn thịt, chủ động sản xuất con giống tại chỗ; ứng dụng công nghệ cao và các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng đàn lợn.Trước mắt, để giải quyết nhu cầu tái đàn của người dân trong thời điểm hiện nay thì ngành chăn nuôi nên sớm thống kê và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở đủ điều kiện cung ứng con giống. Bên cạnh đó, tỉnh và các cơ quan chức năng cần có sự tác động đối với các doanh nghiệp sản xuất con giống để họ có thể tạo điều kiện cung ứng con giống đảm bảo chất lượng, đặc biệt là lợn đực, nái giống cho các hộ có nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Bà Trần Thị Thu Hiền, chủ một trang trại chăn nuôi lớn ở xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng cho biết: Chúng tôi đã tìm đến một số địa chỉ chuyên sản xuất lợn giống để tìm mua nhưng họ cho biết chỉ xuất trong nội bộ, không bán ra ngoài dù chúng tôi mua với số lượng lớn. Do đó, chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có sự tác động để doanh nghiệp đồng hành với chúng tôi vượt qua khó khăn.Về phía người chăn nuôi cũng cần phối hợp với cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm cho đàn lợn khi tái đàn để sớm phát hiện các loại bệnh dịch, có phương án xử lý kịp thời; chủ động tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn lợn; thường xuyên tiến hành khử trùng tiêu độc, vệ sinh; thực hiện đầy đủ việc cách ly và hạn chế người lạ ra vào khu vực chăn nuôi…Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẳng định: Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh song đây cũng là thời điểm thuận lợi để các địa phương nên đẩy mạnh dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Đó là giải pháp cấp thiết để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn, giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh, bởi vùng an toàn dịch bệnh sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi, được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, rút ngắn trình tự kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn... Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh còn có vai trò quyết định đối với việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các nước, nhất là khi Trung Quốc siết chặt đường tiểu ngạch, chuyển sang nhập khẩu đường chính ngạch, tiêu chí đầu tiên họ yêu cầu đó là lợn phải được sản xuất trong vùng an toàn dịch bệnh.

QUÂN LÂM

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201911/kho-khan-trong-tai-dan-lon-phuc-vu-nhu-cau-thuc-pham-tet-167983