Khó khăn trong thực hiện quy trình công nghệ đốt rác phát điện ở Việt Nam

Nếu việc phân loại rác không được thực hiện một cách quyết liệt sẽ là một bài toán khó cho các nhà đầu tư dự án nhà máy đốt rác phát điện.

Mô hình một loại lò hơi đốt rác phát điện

Mô hình một loại lò hơi đốt rác phát điện

Từ kinh nghiệm thế giới, có thể thấy, dù lựa chọn loại công nghệ đốt rác phát điện nào thì chúng ta cũng cần áp dụng một cách đồng bộ và nhất quán các quy trình công nghệ, không nên bỏ qua một công đoạn nào.

Nhìn vào quy trình cơ bản của một mô hình đốt rác phát điện, có thể thấy khó khăn đầu tiên mà Việt Nam gặp phải không phải là vấn đề lựa chọn công nghệ nào mà trước hết là việc phân loại rác thải. Thời gian qua, nhiều mô hình phân loại rác thải tại nguồn đã được triển khai nhưng đều không thành công. Nguyên nhân do phía người tổ chức vẫn còn lúng túng trong cách thực hiện, còn người dân chưa tuân thủ chặt chẽ yêu cầu phân loại rác.

Nếu việc phân loại rác không được thực hiện một cách quyết liệt sẽ là một bài toán khó cho các nhà đầu tư dự án nhà máy đốt rác phát điện.

Khó khăn thứ hai là khi áp dụng công nghệ nào thì chúng ta phải có đủ năng lực giám sát chặt chẽ mô hình công nghệ đó. Về nguyên tắc thì mô hình công nghệ nào cũng cần được giám sát bởi việc đốt rác dễ gây ô nhiễm môi trường khí thải với các phát thải gây mưa axit hay các hợp chất Dioxin, Furan thuộc nhóm các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) theo quy định của Công ước Stockholm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Việc giám sát cần chặt chẽ vì nhiều cơ sở đã “đi tắt, làm tắt” để tiết kiệm chi phí, nâng cao lợi nhuận mà quên đi những thiệt hại môi trường. Để thực hiện giám sát phát thải môi trường, các nước phát triển đều yêu cầu trang bị hệ thống giám sát độc lập có nối mạng và lưu giữ số liệu độc lập, có thể truy xuất các số liệu quá khứ bất cứ lúc nào. Một số nhà máy xử lý rác thải lớn cũng đưa cả bảng hiển thị quan trắc khí thải ra bên ngoài nhà máy để người dân có thể giám sát.

Hiện nay, nhiều dự án đốt rác phát điện còn nằm trên giấy vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chính là chưa đạt được thỏa thuận về chi phí xử lý rác và giá bán điện. Do nguyên liệu khác biệt nên nếu không phân loại tại nguồn tốt, để lẫn nhiều rác hữu cơ từ thực phẩm, vốn có đặc tính nhiên liệu kém, việc đốt rác sẽ khó khăn và tốn kém do phải đốt kèm dầu. Vì thế, chỉ khi giải quyết được vấn đề phân loại rác và có những chính sách về chi phí xử lý rác cũng như giá bán điện hợp lý thì chúng ta mới thu hút được đầu tư nhà máy đốt rác phát điện, giúp xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường cho các đô thị lớn.

LÃ VỌNG (tổng hợp)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/khoa-hoc---cong-nghe/kho-khan-trong-thuc-hien-quy-trinh-cong-nghe-dot-rac-phat-dien-o-viet-nam-178473