Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong đo đạc bản đồ

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ trong thời gian tới cần ưu tiên nghiên cứu điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, cập nhật hạ tầng dữ liệu không gian địa lý Quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ diễn ra chiều 9/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh thời gian tới, yêu cầu đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu đặt ra ngày càng nặng nề.

Theo ông Khánh, vị trí, vai trò của đo đạc, bản đồ ngày càng trở nên quan trọng bởi đây là công cụ, nền tảng kỹ thuật cơ bản để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Cụ thể, Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định quan điểm: “Phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phục vụ cộng đồng, nâng cao dân trí và hội nhập quốc tế.”

Chiến lược trên cũng xác định phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia làm nền tảng quan trọng và cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ Số, nền kinh tế Số, xã hội Số và đô thị thông minh.

Vì thế, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ trong thời gian tới cần xây dựng chương trình hành động cụ thể, trong đó ưu tiên lựa chọn nghiên cứu một số công nghệ lõi như: Điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn trong thu nhận, cập nhật, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chúc mừng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chúc mừng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong đó, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cần ưu tiên lựa chọn nghiên cứu một số công nghệ lõi như: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn trong thu nhận, cập nhật, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; ưu tiên, chú trọng nghiên cứu các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tại sự kiện, Viện trưởng Viện Khoa học đo đạc và Bản đồ Nguyễn Phi Sơn cho biết bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức, đơn vị này sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo để nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo; hướng tới mục tiêu trở thành đơn vị đi đầu trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý Quốc gia hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi Số Quốc gia./.

Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ (tiền thân là Viện Khoa học và Công nghệ Địa chính) được thành lập từ ngày 9/7/1994). Trải qua 30 năm phát triển, viện đã ghi dấu ấn với những thành tựu nổi bật như: Nghiên cứu thành công công nghệ ảnh số và đưa vào quy trình sản xuất “Thành lập bản đồ địa chính cơ sở của các địa phương”; đưa công nghệ GPS vào xây dựng các mạng lưới tọa độ quốc gia và mạng lưới địa chính cơ sở ở các địa phương; nghiên cứu cơ sở dữ liệu trường trọng lực toàn cầu, lưới trắc địa động lực độ chính xác cao, cơ sở dữ liệu thông tin địa lý Việt Nam - Lào - Campuchia, hệ thống bản đồ cơ bản 1:1.000.000 theo tiêu chuẩn quốc tế.

Viện đã nghiên cứu cơ sở khoa học và phương pháp luận xác định hệ thống mặt chuẩn mực nước biển và nghiên cứu biến động mực nước, phục vụ phát triển bền vững ven biển và biển đảo và ứng phó với biến đổi khí hậu; nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (GeoAI), GIS, viễn thám, thiết kế, chế tạo thiết bị thu nhận (GNSS, quan trắc tiếng ồn, UAV, USV) và các phần mềm đi kèm để giám sát hiện trạng tài nguyên đất, nước; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ UAV, Georadar, LiDAR mobile mapping trong đo đạc và thành lập bản đồ, tổng quát hóa bản đồ...

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bo-truong-dang-quoc-khanh-ap-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-do-dac-ban-do-post963729.vnp