Khó khăn trong tiêu hủy lợn dịch hiện nay
PTĐT - Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang lây lan nhanh ra hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ ngày 16/5 đến ngày 02/7/2019, đã có 151 xã, phường thuộc 13 huyện, thành, thị...
PTĐT - Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang lây lan nhanh ra hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ ngày 16/5 đến ngày 02/7/2019, đã có 151 xã, phường thuộc 13 huyện, thành, thị phải công bố bệnh DTLCP với 1.611 hộ, 593 khu; số lợn tiêu hủy tại các xã công bố dịch là 24.370 con với tổng trọng lượng lên đến trên 1.530 tấn. Đó là chưa tính đến số lượng tiêu hủy ở các xã chưa đủ điều kiện công bố dịch. Mỗi ngày, trung bình có thêm từ 30 đến 40 ổ dịch mới xuất hiện tại các huyện, thành, thị nên số lượng tiêu hủy ngày càng tăng.
Công tác tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo đánh giá của các Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thì đây là lần đầu tiên dịch bệnh chăn nuôi phát sinh rộng, nhanh như vậy. Nguy hiểm nhất là không có vắc xin điều trị nên chỉ cần có một con nhiễm bệnh bắt buộc phải tiêu hủy cả đàn. Chính quyền nhiều địa phương còn lúng túng trong công tác xử lý bởi lần đầu tiên phải đối mặt với “đại dịch” như vậy. Mặc dù đã được UBND huyện và các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nhưng với tốc độ lây lan nhanh như hiện nay thì không đủ lực lượng để thực hiện nhiệm vụ.Theo đánh giá của chính quyền các địa phương đã công bố dịch thì khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc tiêu hủy lợn mắc dịch bệnh là việc tìm kiếm, lựa chọn địa điểm tiêu hủy. Nhiều hộ chăn nuôi lớn đã phải đào hố chôn ngay trong vườn, trang trại của gia đình, dù đảm bảo quy định cách tối thiểu với khu chăn nuôi và nhà ở từ 30m trở lên nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đặc biệt là tái đàn về sau. Ông Hán Vinh Khánh, Chủ tịch UBND xã Dị Nậu, huyện Tam Nông cho biết: Số lợn bị bệnh không chết đồng loạt mà rải rác nay một vài con, mai một vài con. Nếu như chỉ tiêu hủy số lợn đã chết như hiện nay thì xã không có địa điểm và lực lượng để tổ chức tiêu hủy. Đó là chưa tính đến kinh phí để thuê máy đào, múc đất và chôn lấp. Họ tính đơn giá theo giờ chứ không theo khối lượng đất đào nên kinh phí để thực hiện theo hướng dẫn xã sẽ không kham nổi.Mối quan tâm của ông Hán Vinh Khánh cũng là điều mà chính quyền nhiều địa phương hiện nay đang rất bối rối bởi chưa tìm ra phương án xử lý hiệu quả. Trong khi đó, nếu thực hiện việc tiêu hủy tập trung cũng khó có thể thực hiện bởi việc vận chuyển lợn chết đến điểm tiêu hủy tập trung rất dễ khiến mầm bệnh lây lan đến các hộ chăn nuôi chưa có dịch.Bên cạnh việc thiếu địa điểm chôn lấp lợn bị dịch bệnh thì việc thiếu lực lượng hỗ trợ từ cấp huyện đến cấp xã cũng khiến việc tiêu hủy bị chậm chễ, ảnh hưởng đến môi trường và tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo quy định, để tiêu hủy phải có cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cán bộ các đoàn thể xã… để tiến hành kiểm đếm, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ tiêu hủy. Tuy nhiên, hiện nay biên chế của mỗi Trạm Chăn nuôi và Thú y trung bình chỉ có từ 3 đến 4 cán bộ, 1 người chịu trách nhiệm trực tiếp nhận thông tin, lo việc báo cáo và giải quyết các thủ tục hành chính; còn lại từ 2 đến 3 người xuống các điểm thông báo có dịch để phối hợp cùng chính quyền địa phương. Những huyện có đầu mối giao thông trọng điểm còn phải cử cán bộ trực các chốt kiểm dịch động vật tạm thời nên càng thiếu lực lượng. Dù Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các huyện đã cử thêm cán bộ hỗ trợ nhưng vẫn không xuể với tình trạng lây lan hiện nay. Đối với các xã, phường, thị trấn cũng vậy. Do đang là thời điểm tập trung sản xuất vụ mùa nên người dân phải tập trung gieo cấy để đảm bảo tiến độ. Trong khi đó, lực lượng lao động ở nông thôn vốn đã thiếu thì nay phải đảm thêm công tác chống dịch, tiêu hủy nên ảnh hưởng lớn đến sản xuất.Nguồn kinh phí để thực hiện công tác tiêu hủy và hỗ trợ chống dịch ở các địa phương hiện nay cũng là vấn đề nan giải. Hầu hết kinh phí trong chống dịch ở các xã, phường, thị trấn hiện nay đều dựa vào nguồn ngân sách dự phòng trong khi nguồn ngân sách này, đặc biệt là ở các xã nông thôn miền núi khá thấp. Hiện cũng là thời điểm mùa mưa lũ bắt đầu, ngân sách dự phòng còn phải phục vụ công tác phòng chống thiên tai nên việc hỗ trợ chống dịch, tiêu hủy lợn bệnh bị ảnh hưởng không nhỏ. Một số xã đã sử dụng kinh phí vào việc tu bổ, sửa chữa, ao, hồ, đập do bị ảnh hưởng thiên tai từ trước nên càng gặp nhiều khó khăn.Đó là chưa kể tình hình thời tiết trong thời gian gần đây khá khắc nghiệt, nắng nóng, nhiệt độ lên cao khiến số lợn chết nhanh bị phân hủy, gây ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của lực lượng tiêu hủy. Ngoài ra, do chăn nuôi nhỏ lẻ, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học chưa đồng bộ; khi có lợn ốm, người chăn nuôi mời cán bộ thú y đến điều trị trước, không báo ngay chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn nên dịch bệnh rất khó kiểm soát triệt để. Mặt khác, công tác quản lý buôn bán lợn giống, quản lý lợn đực giống phối trực tiếp, quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, kinh doanh sản phẩm thịt tại các chợ và đội ngũ hành nghề thú y tại cơ sở còn hạn chế, bất cập,... Đây là những nguyên nhân phát tán dịch bệnh ra diện rộng trong thời gian vừa qua.Bệnh DTLCP vẫn tiếp tục lây lan mạnh với quy mô lớn nên công tác chống dịch và tiêu hủy vẫn được ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương ưu tiên hàng đầu và nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện trong thời điểm hiện nay. Dù vậy, họ cũng mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ kịp thời để công tác chống dịch, tiêu hủy lợn đạt hiệu quả cao.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201907/kho-khan-trong-tieu-huy-lon-dich-hien-nay-165624