Khó khăn trong triển khai các dự án trồng mắc ca

ĐBP - Những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án trồng cây mắc ca. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp một số khó khăn, vướng mắc khiến các dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch...

Công nhân Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên chăm sóc cây mắc ca tại xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo).

Hiện nay, toàn tỉnh có 5 dự án trồng cây mắc ca được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương đầu tư và UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, với tổng diện tích 17.280ha, gồm: Dự án trồng mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông; dự án trồng mắc ca tại xã Thanh An, Thanh Xương (huyện Ðiện Biên); dự án trồng mắc ca theo hướng công nghệ cao tại huyện Mường Nhé; dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Tuần Giáo và dự án trồng mắc ca tại xã Pú Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông). Ðến nay, các dự án mới trồng được 3.229ha trong tổng số 17.280ha. Nguyên nhân chậm tiến độ chính là hầu hết các dự án đều vướng ở khâu quy tụ đất đai để triển khai dự án.

Các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh hiện đang thực hiện tích tụ đất đai theo những hình thức khác nhau. Ðó là: Có 4 dự án doanh nghiệp thuê đất, nhận chuyển nhượng đất của người dân; 1 dự án doanh nghiệp nhận góp đất liên kết với người dân để trồng mắc ca theo quy định của pháp luật về đất đai và 1 dự án trồng xen ghép vào đất rừng phòng hộ theo Văn bản số 749/TCLN-PTR ngày 21/5/2019 của Tổng cục Lâm nghiệp về trồng cây mắc ca trên đất quy hoạch rừng phòng hộ. Thực tế hầu hết diện tích đất vùng dự án (bao gồm cả đất lâm nghiệp chưa có rừng và đất nương, đất trống) thuộc quản lý của người dân nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ), trừ diện tích đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đã được cấp GCNQSDÐ. Hiện nay, chính quyền cấp xã, huyện không quản lý được diện tích loại đất trống này. Ðối với diện tích doanh nghiệp tự thỏa thuận đền bù với người dân nhưng để chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì doanh nghiệp phải giao lại cho chính quyền địa phương để làm thủ tục thuê lại đất theo quy định của Luật Ðất đai. Doanh nghiệp phải trả chi phí đo đạc, quy chủ và cấp GCNQSDÐ.

Dự án Trồng mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông (huyện Ðiện Biên) do Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thương mại và Ðầu tư Phú Thịnh triển khai thực hiện. Quy mô dự án gồm: Trồng 3.508,6ha mắc ca trên đất không có rừng; trồng dược liệu xen với cây mắc ca; trồng bổ sung làm giàu rừng 1.041,3ha. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2022 với tổng mức đầu tư 1.465,2 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã thành lập doanh nghiệp dự án tại địa phương là Công ty TNHH Mắc ca Mường Then Ðiện Biên để triển khai thực hiện. Dự án đã được UBND tỉnh quyết định cho nhà đầu tư thuê 158ha đất tại xã Phu Luông. Hiện nay huyện Ðiện Biên đang hoàn tất thủ tục gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét thu hồi và cho thuê thêm khoảng 400ha do doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân và người dân tự nguyên trả đất cho Nhà nước để cho doanh nghiệp thuê trồng mắc ca. Trên thực tế, để có được 1ha trồng mắc ca, doanh nghiệp phải hỗ trợ chi phí đo đạc, làm thủ tục… khoảng 10 triệu đồng và hỗ trợ người dân bình quân 7 triệu đồng/ha, tổng cộng bình quân khoảng 17 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp triển khai thực hiện thì người dân lại ngăn cản, gây khó khăn ngoài thực địa.

Bên cạnh đó, một số diện tích đã được cấp GCNQSDÐ giai đoạn trước nhưng đến nay đối chiếu, trích lục thì không chuẩn xác về vị trí và diện tích. Do đó, khó làm các thủ tục thuê đất và liên kết với người dân trong thực hiện dự án. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư trồng mắc ca hầu hết chưa nắm chắc quy trình, các bước đầu tư dự án nên sau khi được cấp chủ trương đầu tư, nhà đầu tư chưa thực hiện các thủ tục như: Hoàn thiện phê duyệt dự án, thỏa thuận quy hoạch, thủ tục về môi trường, thủ tục về đất đai, đấu nối hạ tầng… Nhà đầu tư chưa nghiên cứu kỹ về thực trạng đất đai trong bước khảo sát đề xuất chủ trương đầu tư nên khi triển khai gặp nhiều vướng mắc.

Với quan điểm khuyến khích phát triển diện tích mắc ca tiểu điền, thời gian tới tỉnh ta tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách đối với các dự án trồng mắc ca để thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư trên địa bàn. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách đến nhân dân; đồng thời chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp và các sở, ngành liên quan để thực hiện các bước, thủ tục cho thuê đất đối với các diện tích đất thuộc vùng dự án.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/185307/kho-khan-trong-trien-khai-cac-du-an-trong-mac-ca-