Khó khăn trong việc tái đàn lợn sau dịch bệnh

Hiện nay, tình hình chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng gặp nhiều bất lợi. Từ năm 2019 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra và diễn biến phức tạp. Giá thịt lợn hơi biến động mạnh đã gây thiệt hại nặng nề đến tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

 Người chăn nuôi cần có sự hỗ trợ để phát triển đàn lợn. Ảnh: TN

Người chăn nuôi cần có sự hỗ trợ để phát triển đàn lợn. Ảnh: TN

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, tính đến cuối năm 2019 tổng đàn lợn 199.878 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 40.375 tấn. Cơ cấu hình thức chăn nuôi lợn vẫn chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại, mô hình liên kết như hợp tác xã, trang trại gia công, tuy nhiên quy mô chăn nuôi có xu hướng giảm. Trong quý I/2020 tình hình chăn nuôi tiếp tục gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn xảy ra không có vắc xin phòng bệnh cũng như không có thuốc điều trị nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ; giá sản phẩm chăn nuôi nhiều biến động do tình hình COVID-19 xảy ra. Vì thế nhiệm vụ tái đàn chăn nuôi, đặc biệt là tái đàn lợn gặp rất nhiều khó khăn.

Để thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tổ chức hướng dẫn tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản số 1524/UBND-NN ngày 9/4/2020 về việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học, văn bản số 1697/UBND-NN ngày 17/4/2020 về việc triển khai các giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất, chế biến nông sản. Theo thống kê hiện nay tổng đàn lợn (thịt, nái) 151.000 con, giảm 38,75% so với cùng kỳ năm 2019, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I/2020 ước đạt 7.780 tấn, giá thịt lợn hơi giao động mức cao 70.000- 80.000 đồng/kg. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 3 công ty đầu tư chăn nuôi gồm 22 trang trại, tổng đàn 27.600 con/lứa, sản lượng thịt đạt 5.500 tấn. Trong đó, Công ty CP Việt Nam (18 trang trại, tổng đàn 15.600 con/lứa); Công ty Thái Việt (2 trang trại, tổng đàn 4.000 con/lứa); Công ty Việt Đức (2 trang trại, tổng đàn 8.000 con/lứa).

Với mục tiêu tiếp tục duy trì đàn lợn 220.000 con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2020 đạt 40.500 tấn, hiện nay địa phương đang tập trung thực hiện việc tái đàn lợn, đến tháng 4/2020 tổng đàn lợn đã tăng 19% so với thời điểm tháng 1/2020. Vì thế Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đã đề ra định hướng phát triển chăn nuôi lợn theo hướng tập trung, thâm canh, bán công nghiệp và công nghiệp, gắn với an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Trước hết là tập trung ổn định, khôi phục sản xuất chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa, tổ chức sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng gắn sản xuất với thị trường; tăng cường sự liên kết trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng tỉ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đặt ra là phải tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi. Thực hiện tốt quy hoạch phát triển chăn nuôi theo lợi thế so sánh của từng vùng sinh thái. Tổ chức thực hiện tốt tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi. Hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, xây dựng các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi VietGap, chăn nuôi hữu cơ. Tập trung phát triển, tái đàn lợn theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại công nghiệp, bán công nghiệp đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, xa khu dân cư, chăn nuôi công nghệ cao gắn với các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tăng cường triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.

Để công tác tái đàn lợn sau dịch bệnh đạt kết quả như mong đợi, ngành nông nghiệp và hộ chăn nuôi cần tập trung rà soát, kiểm tra điều kiện chăn nuôi của các hộ đăng ký tăng đàn, tái đàn lợn; tăng đàn, tái đàn lợn theo nguyên tắc đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo các hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất lợn giống trên địa bàn tăng cường việc nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng và an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi để thực hiện việc tái đàn, tăng đàn lợn. Đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tái đàn lợn...tránh tình trạng găm lợn, đẩy giá lên cao; đảm bảo hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối, cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng. Các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cần có chính sách tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn lợn, tăng đàn lợn, mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết thêm: “Hiện nay, công tác tái đàn lợn gặp rất nhiều khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang diễn ra, mầm bệnh vẫn tiềm ẩn trong môi trường chăn nuôi nguy cơ tái bùng phát cao; nguồn giống lợn khan hiếm và giá cao. Trong khi đó chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nông hộ nên rất khó áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Hiện nay đã có 4/6 cơ sở chăn nuôi lợn đực giống khai thác tinh phục vụ thụ tinh nhân tạo bị thiệt hại và ngừng sản xuất do dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh hưởng của COVID-19 nên gây không ít khó khăn trong việc tái đàn, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn cũng giảm, người chăn nuôi thiếu nguồn vốn để thực hiện tái đàn. Do đó cần huy động nguồn lực tập trung tái đàn lợn, đặc biệt các chương trình, dự án tập trung hỗ trợ khôi phục lại đàn lợn nái của địa phương. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tái đàn lợn đực giống cho các cơ sở để phục vụ chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn quốc; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn để công tác tái đàn lợn sau dịch bệnh đạt kết quả, giúp ngành chăn nuôi phát triển”.

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=148460