Khó khăn trong xã hội hóa công tác tiêm phòng dịch cho đàn vật nuôi

PTĐT- Khác so với những đợt tiêm phòng hoặc vệ sinh khử trùng tiêu độc trước đây, đợt tiêm phòng vụ thu đông năm nay toàn tỉnh thực hiện việc xã hội hóa công tác tiêm phòng, theo đó, Nhà nước sẽ không hỗ trợ bất kỳ một khoản chi phí nào liên quan đến công tác tiêm phòng từ mua vắc xin, chi trả công tiêm và các chi phí khác.

Thú y cơ sở xã Tam Cường, huyện Tam Nông tiêm phòng dại cho chó trong đợt tiêm phòng thu đông năm 2019.

Thú y cơ sở xã Tam Cường, huyện Tam Nông tiêm phòng dại cho chó trong đợt tiêm phòng thu đông năm 2019.

PTĐT- Khác so với những đợt tiêm phòng hoặc vệ sinh khử trùng tiêu độc trước đây, đợt tiêm phòng vụ thu đông năm nay toàn tỉnh thực hiện việc xã hội hóa công tác tiêm phòng, theo đó, Nhà nước sẽ không hỗ trợ bất kỳ một khoản chi phí nào liên quan đến công tác tiêm phòng từ mua vắc xin, chi trả công tiêm và các chi phí khác. Chi cục chăn nuôi chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước cấp phát giấy chứng nhận tiêm phòng cho các hộ đã tiêm hoặc có thể liên hệ mua giúp vắc xin theo yêu cầu của chính quyền các địa phương. Việc đăng ký mua vắc xin, tiêm do người chăn nuôi tự đăng ký với thú y cơ sở, do đó, nhiều vướng mắc đã nảy sinh từ vấn đề này.
Tam Nông là một trong những huyện có tỷ trọng chăn nuôi lớn. Bên cạnh các trang trại, cơ sở, doanh nghiệp còn có nhiều hộ chăn nuôi lợn, trâu bò, gà thương phẩm. Tuy nhiên, trừ các cơ sở chăn nuôi lớn chủ động trong công tác tiêm phòng thì việc đăng ký mua và tiêm phòng vắc xin trong dân đạt rất thấp. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các xã Tam Cường, Thanh Uyên, Hiền Quan… cho biết: 1 lọ vắc xin thường có từ 5 đến 25 liều tùy loại, trong khi chúng tôi nuôi rất ít. Nếu mua cả lọ thì giá vừa cao, vừa dùng không hết gây lãng phí. Bên cạnh đó, các đợt tiêm phòng của Nhà nước thường triển khai vào thời điểm thời tiết có nhiều thay đổi, khắc nghiệt, sức đề kháng của con vật kém, dễ gây ốm. Các xã trên chủ yếu là nuôi trâu bò đẻ nên việc tiêm phòng dễ dẫn đến xảy thai hoặc chậm thụ thai, ảnh hưởng đến kinh tế nên chúng tôi không muốn tiêm.Một nguyên nhân nữa là có một số xã thuộc các huyện, thành, thị không có thú y viên cơ sở, chỉ có khuyến nông cơ sở chuyên về trồng trọt nên khó thực hiện công tác tiêm phòng. Lý giải về nguyên nhân này, ông Thạch Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông- xã hiện không có thú y cơ sở cho biết: Để được công nhận là thú y cơ sở thì người làm nhiệm vụ này bắt buộc phải có bằng trung cấp trở lên về chuyên môn thú y. Tuy nhiên, ở các xã như chúng tôi, người đáp ứng được yêu cầu này thì không muốn làm do chế độ đãi ngộ quá thấp; người có kinh nghiệm, năng lực đáp ứng được thì lại không có chứng chỉ chuyên môn; khi đi tiêm thì dân không đồng ý. Do đó, chúng tôi phải nhờ huyện thuê hộ người ngoài với mức thuê 350 nghìn đồng/ngày. Xã sẽ hỗ trợ thêm kinh phí trong trường hợp công tiêm không đủ nhưng cũng rất khó khăn trong việc tìm thuê người và kinh phí hỗ trợ do nguồn ngân sách dự phòng đã sử dụng gần hết trong việc hỗ trợ phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi vừa qua. Để đảm bảo ngày công cho người tiêm, chúng tôi đã vận động người dân mang động vật đến điểm tiêm tập trung để tiến hành tiêm cuốn chiếu nhưng nhiều gia đình chưa ủng hộ, đặc biệt là đối với tiêm phòng vắc xin dại.Bên cạnh những vấn đề trên thì việc người dân, nhất là ở các huyện miền núi như Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập… đã quen ỷ lại vào các chương trình hỗ trợ của Nhà nước khiến cho khi triển khai xã hội hóa tiêm phòng không được người chăn nuôi nhỏ lẻ hưởng ứng. Ông Hà Quang Huy, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Sơn đánh giá: Trước đây, do là huyện nghèo nên người chăn nuôi ở Tân Sơn được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, huyện đã ra khỏi diện hộ nghèo, các chính sách hỗ trợ bị cắt giảm, người dân vốn quen ỷ lại vào các chính sách nên chưa có ý thức tự bảo vệ tài sản của gia đình mình.Chăn nuôi ngày càng phát triển, đặc biệt là khi chúng ta đặt mục tiêu nâng cao chất lượng, có thể đảm bảo các quy định nghiêm ngặt về xuất khẩu thì việc xây dựng các vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó các cơ sở chăn nuôi phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả, cúm… là yêu cầu tối cần thiết. Bên cạnh đó, phải thu hẹp dần quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, xây dựng các cơ sở chăn nuôi và giết mổ tập trung để thuận tiện trong việc quản lý, theo dõi, khống chế, xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Chủ trương xã hội hóa tiêm phòng là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện, Nhà nước chỉ hỗ trợ khi xảy ra dịch bệnh và hỗ trợ đối với các hộ đã có chứng nhận tiêm phòng đầy đủ. Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẳng định: Là năm đầu tiên thực hiện công tác xã hội hóa tiêm phòng nên người dân chưa có nhận thức đầy đủ, chưa ủng hộ chính sách này. Để người chăn nuôi hiểu và thực hiện nghiêm túc không phải một sớm, một chiều, phải kiên quyết thực hiện. Trước mắt cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và chủ động thực hiện tiêm phòng, sau đó báo cáo với cơ quan chuyên môn, dần tiến đến việc xóa bỏ việc tiêm phòng định kỳ hàng năm.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201911/kho-khan-trong-xa-hoi-hoa-cong-tac-tiem-phong-dich-cho-dan-vat-nuoi-167926