Khó khăn trong xây dựng sản phẩm OCOP

Sau gần 3 năm triển khai Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), toàn tỉnh có 27 sản phẩm thuộc 2 nhóm ngành là thực phẩm và đồ uống đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên. Ngoài ra, có 7 huyện, thành phố đã tổ chức đánh giá với 70 sản phẩm cấp huyện. Bên cạnh những địa phương đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP, vẫn có những nơi đang loay hoay đi tìm và xây dựng sản phẩm riêng.

Câu chuyện xây dựng sản phẩm OCOP ở xã Văn Sơn (huyện Văn Bàn) được Chủ tịch UBND xã - Lê Anh Tân chia sẻ với chúng tôi rằng: Đặc thù của xã là phần lớn người dân từ miền xuôi lên sinh sống, lập nghiệp và sản xuất nông nghiệp đơn thuần là tận dụng đồng đất để cày cấy, trồng trọt một số loại cây, trong đó có việc đưa vào trồng cây mía tím. Cây mía tím được trồng trên địa bàn xã từ lâu và hiện xã có khoảng 16 - 17 ha. Cây trồng này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên chất lượng ngon, mềm và ngọt hơn so với trồng ở những nơi khác. Tuy nhiên, theo khảo sát, đánh giá của ngành chức năng thì đây là sản phẩm đặc hữu của địa phương nhưng chưa thể phát triển, nâng lên thành sản phẩm OCOP vì chưa đáp ứng được những yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, khả năng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, khả năng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định, lâu dài...

Khai thác thế mạnh sẵn có, nông dân xã Quang Kim phát triển kinh tế từ trồng rau, màu.

Khai thác thế mạnh sẵn có, nông dân xã Quang Kim phát triển kinh tế từ trồng rau, màu.

Sau cây mía tím, xã Văn Sơn lại loay hoay tìm sản phẩm khác. Xã đang tính đến việc xây dựng sản phẩm từ vỏ quế bởi trong số hơn 270 ha rừng kinh tế ở địa phương thì có đến 80% diện tích trồng quế. Ngoài ra, trên địa bàn xã cũng có nhóm hộ chuyên thu mua và sơ chế vỏ quế. Xã cũng cố gắng kết nối, liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp để phát triển cây ớt trên diện tích đất trồng màu, hướng tới sản xuất tương ớt Văn Sơn. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng lại ở ý tưởng bởi để xây dựng sản phẩm OCOP cần đáp ứng được các tiêu chí trong Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP.

Tương tự, xã Tà Chải (huyện Bắc Hà) đã xác định một số sản phẩm như rau, bánh chưng đen để xây dựng sản phẩm OCOP, tuy nhiên trong triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn. Đơn cử như sản phẩm rau đang đặt ra vấn đề làm thế nào để duy trì xuyên suốt, trong khi đó người dân chỉ tập trung sản xuất thời điểm chính vụ, nếu trồng trái vụ gặp nhiều bất lợi về vấn đề sâu bệnh hại, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Cùng có lợi thế về kinh nghiệm của người dân và đồng đất màu mỡ, thích hợp với trồng rau, xã Quang Kim (huyện Bát Xát) cũng lựa chọn rau để xây dựng sản phẩm OCOP. Theo ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quang Kim, xã hiện duy trì nhóm khoảng 40 - 50 hộ trồng rau với diện tích khoảng 15 ha. Sản phẩm này gặp khó bởi không để được lâu như những sản phẩm khác, cần bảo quản cẩn thận, trong khi đó vẫn phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Một sản phẩm nữa là dưa Quang Kim cũng đang gặp khó do chưa duy trì hoạt động xuyên suốt để cung cấp ra thị trường.

Theo ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản phẩm OCOP cần đáp ứng được một số điều kiện như sản xuất xuyên suốt, có sự tham gia của nhiều hộ, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và mang đặc trưng vùng, miền. Do vậy, để xây dựng sản phẩm OCOP, các địa phương phải dựa vào thực tế, xác định sản phẩm nào là chủ lực và đã được quy hoạch trong vùng sản xuất hay chưa.

Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng OCOP Lào Cai tại Triển lãm thành tựu 10 năm chương trình xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc.

Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng OCOP Lào Cai tại Triển lãm thành tựu 10 năm chương trình xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc.

Được biết, trên cơ sở điều kiện thực tế của các huyện, thành phố tổng hợp và báo cáo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nguyên tắc xác định và danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cần khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó, xác định 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gồm: Chè; quế; gạo chất lượng cao; cây dược liệu; rau trái vụ; cây ăn quả ôn đới; gia súc, gia cầm bản địa; cá hồi, cá tầm. Bên cạnh đó, 12 sản phẩm nông nghiệp tiềm năng gồm: Atiso, sa nhân tím, quýt Mường Khương, hồng không hạt, cây gai xanh, chanh leo, chuối, dứa, ớt, dâu tằm, sả, cá chép.

Trên cơ sở này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp huyện, xã, thôn và xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; tổ chức thẩm định kỹ thuật, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện của các địa phương; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí, cách thức lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, thẩm định kế hoạch kinh phí hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch hằng năm.

Trong giai đoạn 2018 - 2020, Chương trình OCOP tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu xác định, lựa chọn hoàn thiện, nâng cấp ít nhất 60 sản phẩm thế mạnh hiện có của các địa phương; phát triển mới 30 sản phẩm từ năm 2019 đến năm 2020 (tăng dần theo năm, tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi); giai đoạn 2021 - 2030 phát triển mới ít nhất 200 sản phẩm OCOP...

Để thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa và tích cực tham gia chương trình OCOP, chính quyền các địa phương cần xác định việc xây dựng sản phẩm OCOP là một lộ trình lâu dài, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cần bám sát các chính sách đã được ban hành, nhất là nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng của tỉnh để lựa chọn sản phẩm phù hợp. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần xây dựng kế hoạch cụ thể, sát thực tế để triển khai hiệu quả chương trình OCOP.

Quỳnh Trang

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/kho-khan-trong-xay-dung-san-pham-ocop-z3n2019100309123923.htm