Khó khăn trong xử lý các điểm ô nhiễm môi trường khu vực giáp ranh
Ô nhiễm môi trường tại vùng giáp ranh các địa phương trong và ngoài tỉnh là bất cập tồn tại nhiều năm nay song chưa có giải pháp xử lý hiệu quả khiến người dân sống tại các khu vực này bức xúc. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Ô nhiễm môi trường tại vùng giáp ranh các địa phương trong và ngoài tỉnh là bất cập tồn tại nhiều năm nay song chưa có giải pháp xử lý hiệu quả khiến người dân sống tại các khu vực này bức xúc.
Mới đây, trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HÐND tỉnh cuối năm 2020, cử tri huyện Hải Hậu đã kiến nghị, đề xuất ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định đối với tình trạng trang trại chăn nuôi cạnh sông Sò phía bắc cầu Hà Lạn, thuộc địa phận xã Giao Thịnh (Giao Thủy) gây ô nhiễm môi trường. Trước đây, trang trại này đã từng phải ngừng hoạt động khoảng 2 năm vì gây ô nhiễm và bị phản đối. Gần đây, trang trại chăn nuôi này hoạt động trở lại, tái diễn tình trạng bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, điều kiện sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân xã Hải Phúc, nhất là khu vực gần cầu Hà Lạn. Một vấn đề khác là tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các bãi chôn lấp rác thải ở vị trí giáp ranh hai xã. Cụ thể như tình trạng bãi chôn lấp rác thải của xã Phương Ðịnh giáp với xã Liêm Hải (Trực Ninh) hiện nay không đảm bảo vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của nhân dân sinh sống lân cận, người dân đề nghị UBND, Phòng TN và MT huyện chỉ đạo, hướng dẫn xã Phương Ðịnh sớm có biện pháp khắc phục, xử lý tốt môi trường tại bãi chôn lấp rác thải này. Người dân xã Trực Thuận phản ánh bãi chôn lấp rác xã Trực Mỹ nằm gần nhà máy nước liên xã đã được yêu cầu đóng cửa từ tháng 1-2020 nhưng đến nay bãi rác này thi thoảng vẫn hoạt động gây lo ngại cho chất lượng đối với nhà máy nước sạch, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư các thôn 10, 11, 12; đề nghị UBND huyện Trực Ninh chỉ đạo UBND xã Trực Mỹ đóng cửa dứt điểm bãi rác để đảm bảo môi trường cho nhà máy nước sạch liên xã và các khu dân cư lân cận.
Ngoài các vị trí nội tỉnh, theo Sở TN và MT, các điểm ô nhiễm môi trường giáp ranh còn phát sinh, tồn tại ở vị trí giữa các tỉnh bạn với tỉnh ta. Ðáng chú ý có 3 điểm ô nhiễm nổi cộm phát sinh từ các địa phương lân cận trong cùng lưu vực sông Nhuệ - Ðáy. Ðó là tình trạng ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Sắt, là phụ lưu sông Ðáy, bắt nguồn từ sông Châu Giang tại xã An Bái, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và chảy vào tỉnh ta từ xã Yên Lợi, sau đó nhập lưu với sông Ðáy tại xã Yên Trị (Ý Yên). Qua các đợt quan trắc điểm trước khi chảy qua địa bàn tỉnh ta, đều cho thấy chất lượng nước sông Sắt có dấu hiệu ô nhiễm nhẹ; nước mặt sông Sắt có các thông số COD, TSS, Coliform vượt quy chuẩn cho phép. Trong khi đó, sông Sắt là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các huyện Vụ Bản, Ý Yên. Cũng tại lưu vực sông Sắt, cử tri huyện Vụ Bản đã kiến nghị xử lý việc xả chất thải của các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn và các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở hai bên bờ sông Sắt thuộc địa phận tỉnh Hà Nam; cử tri huyện Ý Yên kiến nghị xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh từ bãi rác của các xã thuộc tỉnh Hà Nam và xác động vật, rác thải trôi từ đầu nguồn sông Kinh Thủy thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Qua khảo sát thực tế của các ngành chức năng tỉnh ta cho thấy, phía trên điểm lấy nước cấp cho trạm xử lý nước sạch là khu dân cư thuộc các huyện Bình Lục, Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) và trên địa bàn huyện Ý Yên, tỉnh Nam Ðịnh có nhiều hoạt động chăn nuôi, làng có nghề mỹ nghệ sơn mài xả thải ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Sắt. Tại lưu vực sông Ðáy, người dân xã Yên Bằng (Ý Yên) phản ánh, kiến nghị tình trạng tại KCN Khánh Phú và KCN Khánh Cư (tỉnh Ninh Bình) thường xuyên xả khí thải, gây khói bụi, tiếng ồn, mùi hôi (thời gian cao điểm xả thải vào 17h hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau) làm ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân.
Trước thực trạng kể trên, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã tích cực vào cuộc, bám sát các quy định của pháp luật để tìm giải pháp xử lý phù hợp trả lại môi trường sống trong lành cho người dân. Trong đó, đối với các điểm ô nhiễm môi trường giáp ranh nội địa, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân, nhất là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, hộ chăn nuôi, trang trại, gia trại... nâng cao ý thức, nhận thức, từ đó chủ động, tự giác thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, không xả rác thải bừa bãi, không xả thẳng chất thải trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp chưa qua xử lý ra ngoài môi trường. Ðồng thời, yêu cầu các địa phương nâng cao trách nhiệm, tăng cường bố trí nhân lực kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường dẫn đến tình trạng không giải quyết triệt để các nguồn thải gây ô nhiễm tại địa phương.
Ðối với các điểm ô nhiễm môi trường giáp ranh với tỉnh ngoài, theo quy định về thẩm quyền tỉnh ta đã đề nghị các cơ quan đồng cấp tỉnh bạn chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương có phát sinh ô nhiễm tổ chức kiểm tra, yêu cầu đơn vị vi phạm khắc phục bất cập và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có). Tuy nhiên kết quả xử lý thực tế chưa như mong muốn. Tại buổi làm việc cuối tháng 10-2020 với Ðoàn công tác của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Ðáy UBND tỉnh đã kiến nghị cụ thể các bất cập kể trên. Ðoàn công tác đã xác định đây là những thách thức cần sớm có giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Ðáy. Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Ðáy cũng kiến nghị với Chính phủ các đề xuất của địa phương về việc cần chỉ đạo ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị cho các địa phương trên lưu vực sông theo hướng hợp tác công - tư, xã hội hóa (địa phương nào gây ô nhiễm chính thì phải chịu trách nhiệm chính trong xử lý ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông); cho phép nghiên cứu và triển khai thử nghiệm mô hình xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung theo mô hình phân tán hình thức hợp tác công - tư và cơ chế tài chính đặc thù. Ðặc biệt, Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Ðáy đã yêu cầu các địa phương cần kiểm soát hiệu quả các nguồn thải vào lưu vực sông thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với toàn bộ các nguồn thải; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; không cho phép các dự án mới đi vào hoạt động khi chưa có đủ thủ tục, hạ tầng kỹ thuật về môi trường; hạn chế thu hút các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trên vùng lưu vực sông Nhuệ - Ðáy./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy