Khó khăn trong xử lý xâm hại tình dục trẻ em
Dù có bước tiến nhất định nhưng quá trình bắt kẻ thủ ác đền tội trước pháp luật chưa bao giờ suôn sẻ
Mới đây, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên thuộc TAND TP HCM trả hồ sơ vụ án Nguyễn Công Trường (39 tuổi) hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Tòa án yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền làm rõ mâu thuẫn trong lời khai giữa bị cáo và bị hại.
Đoạn đường dài và khó
Cáo trạng kết luận Trường 3 lần xâm hại tình dục (XHTD) một bé gái hàng xóm (11 tuổi). Kết quả khám bệnh cho thấy bé gái bị XHTD nhiều lần. Trình báo cơ quan công an, gia đình bị hại tố cáo Trường có hành vi đồi bại với nạn nhân từ năm 2019. Thế nhưng, Trường không thừa nhận hành vi phạm tội. Chính những bất nhất trong lời khai khiến vụ án đến nay chưa có hồi kết. Đây là một trong nhiều vụ án xâm hại trẻ em gặp nhiều trắc trở.
Trong thực tế, quá trình bắt kẻ phạm tội xâm hại trẻ em chịu sự trừng trị trước pháp luật luôn khó gấp nhiều lần so với những vụ án khác. Cho dù gia đình mạnh dạn trình báo, vụ án vẫn có thể "chìm" hoặc kéo dài khiến không ít đại diện nạn nhân nản chí, muốn bỏ cuộc. Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hàng rào pháp lý ràng buộc kẻ thủ ác ngày một chặt chẽ. Cuối năm 2020, Bộ Y tế ban hành văn bản giải quyết những vấn đề liên quan đến XHTD trẻ em; trong đó có quy trình can thiệp y tế, giám định. Bước đầu, quy định trên cơ bản tạo ra hành lang pháp lý hỗ trợ, can thiệp ở lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, ở không ít vụ án mà luật sư Đặng Văn Cường tham gia, gia đình nạn nhân bức xúc vì quy trình giám định, thu thập mẫu vật, dấu vết diễn ra rất chậm. Ngoài ra, một số nhân viên y tế, kể cả cán bộ điều tra chưa có thái độ chuẩn mực khi tiếp xúc với gia đình và nạn nhân trẻ em. Cụ thể, theo phản ánh của gia đình nạn nhân, đôi lúc cán bộ điều tra, nhân viên y tế có những lời nói thiếu cảm thông, thậm chí vô cảm.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Ninh Thị Hồng cho hay bà cùng đồng nghiệp nhận rất nhiều đơn kêu cứu liên quan đến XHTD trẻ em. Đáng tiếc, rất nhiều vụ việc không tìm ra thủ phạm. "Chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp hung thủ là hàng xóm nhưng vì đối tượng xin lỗi, hứa hẹn bồi thường nên gia đình nạn nhân không trình báo ngay. Đến khi đối tượng lật lọng, chối bỏ trách nhiệm, mạt sát thì gia đình nạn nhân mới trình báo. Lúc đó, chứng cứ buộc tội chẳng còn gì ngoài lời khai của con trẻ" - bà Ninh Thị Hồng phản ánh.
Báo động xâm hại trẻ em nam
Một thực trạng khiến nhiều chuyên gia quan ngại chính là XHTD đối với trẻ em nam. Theo bà Ninh Thị Hồng, nhiều phụ huynh nghĩ XHTD trẻ em nam không nghiêm trọng bằng XHTD trẻ em gái nên đã lựa chọn bỏ qua. "Tôi và đồng nghiệp từng hỗ trợ nhiều gia đình làm đơn tố cáo hung thủ xâm hại bé trai nhưng sau đó, họ rút đơn khi cơ quan có thẩm quyền liên hệ lấy lời khai. Tiếp xúc với nhiều bé trai là nạn nhân, tôi khẳng định nhóm bị hại này chịu chấn thương tâm lý trầm trọng hơn những nhóm khác. Có nạn nhân từng tâm sự với tôi rằng chỉ muốn tìm đến cái chết" - bà Ninh Thị Hồng kể, đồng thời cảnh báo hiện một số trường học tuyển người dạy ngoại ngữ, tin học dưới hình thức hợp đồng ngắn hạn, người dạy chưa qua đào tạo sư phạm bài bản và đã có nhiều đơn tố cáo một số người này (đa phần là nam) xâm hại bé trai.
Tham gia bảo vệ nạn nhân là trẻ em nam trong vụ án dâm ô và giao cấu với người dưới 16 tuổi xảy ra ở tỉnh Phú Thọ, luật sư Đặng Văn Cường đúc kết các em khó tránh cảm giác lạc lõng, cô đơn nếu người làm công tác tố tụng không trấn an, tác động trong giai đoạn thực hiện tố tụng; những vụ việc có dấu hiệu tội phạm nhưng người trong cuộc tìm cách thỏa thuận dân sự.
Bà Nguyễn Khánh Linh, cán bộ Ngôi nhà bình yên (Nhà tạm lánh) thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ có những em đến nhờ tham vấn với tình trạng tổn thương tâm lý trầm trọng sau khi trải qua quá trình làm việc với cơ quan chức năng. "Việc trả lời nhiều lần những câu hỏi trong quá trình điều tra dẫn đến tình trạng tái sang chấn tâm lý đối với nạn nhân. Đau lòng hơn, sau thời gian dài điều tra, gia đình lại đổ lỗi nạn nhân. Không ít em kể không thể chịu đựng khi ở nhà, mẹ nói em là đồ bỏ đi, vì em mà gia đình xấu hổ..." - bà Nguyễn Khánh Linh đau xót.
Để không còn những nạn nhân kế tiếp
Lựa chọn thỏa hiệp đồng nghĩa với việc dung túng, tiếp tay tội ác XHTD và trẻ có nguy cơ bị xâm hại lần tiếp theo. Thậm chí, những đứa trẻ khác xung quanh đối tượng cũng có thể trở thành nạn nhân. "Đối tượng phạm tội chia làm 2 nhóm gồm: nhóm có bệnh lý về tình dục (nhu cầu lệch lạc và bất thường), đạo đức - nhân cách thấp kém (vì thỏa mãn dục vọng mà có thể xâm hại bất cứ ai, không ngoại trừ người thân hay trẻ em). Xác minh tin báo là bước quan trọng nhất. Nếu gia đình bị hại không hợp tác hoặc cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện không hết trách nhiệm thì có thể không tìm đủ bằng chứng đấu tranh với tội phạm" - luật sư Đặng Văn Cường phân tích.