Khó khăn với lao động ngành du lịch trong 'bão' Covid-19
Theo khảo sát về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, gần 66% số doanh nghiệp du lịch và lữ hành cho biết đã phải cắt giảm hơn 50% số lượng nhân viên, trong đó gần 20% số doanh nghiệp phải cắt giảm toàn bộ nhân viên. Là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề do dịch bệnh, doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch cũng đang mong chờ hỗ trợ.
Nhân sự lao đao vì khủng hoảng
Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cận kề thường là thời điểm bắt đầu mùa du lịch hè, du lịch nội địa sôi động nhất trong năm. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, vui chơi giải trí đều vẫn đang trong trạng thái “ngủ đông”.
Trưởng phòng nội địa của một đơn vị trực thuộc Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) cho biết, nếu bình thường anh phải bảo đảm 22 ngày công/một tháng, thậm chí làm tăng ca cuối tuần để lên lịch trình tour, tuyến mùa hè. Bây giờ, cả tháng anh đi làm có chín ngày.
Chưa nói tới lương kinh doanh, mức lương cứng của công ty cũng sụt giảm. Anh chia sẻ, so với nhiều đồng nghiệp, công ty còn có thể chi trả lương cho nhân viên ở thời điểm hiện tại là một điều may mắn. Rất nhiều công ty lữ hành có quy mô nhỏ và siêu nhỏ buộc phải đóng cửa hoặc buộc phải “thanh lọc” một lượng lớn nhân viên, hướng dẫn viên không có việc làm vì không thể trụ lại suốt thời gian qua.
Ông Nguyễn Giang Nam, Giám đốc công ty Asia Pacific Travel, cho biết, bộ phận kinh doanh lữ hành của công ty đã tạm nghỉ từ 20-3 đến nay, buộc phải giảm 50% lương nhân sự. Lĩnh vực nghỉ dưỡng cũng “đóng băng” sau đó. Những doanh nghiệp chuyên đón khách quốc tế như công ty Asia Pacific Travel đã xác định còn đình trệ hoạt động tới hết năm 2020 bởi chưa biết bao giờ mới ổn định.
Du lịch là một trong những lĩnh vực ảnh hưởng đầu tiên, sâu sắc nhất của nền kinh tế khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Kết quả khảo sát do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) công bố khi thực hiện khảo sát 394 doanh nghiệp vào giữa tháng 4 vừa qua đã chỉ ra những con số thiệt hại lớn với doanh nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký TAB, cho biết, chương trình khảo sát 394 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch và lữ hành, bao gồm 51% doanh nghiệp là công ty lữ hành, 15% là khách sạn và 14% là doanh nghiệp vận tải. 92% doanh nghiệp trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng nhân viên dưới 100 người.
Trong số các phản hồi nhận được, 71% doanh nghiệp cho biết doanh thu của họ trong quý 1 năm 2020 giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019, 77% doanh nghiệp dự kiến doanh thu quý 2 sẽ giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Người lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, 18% doanh nghiệp đã cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên và 48% doanh nghiệp đã cho nghỉ việc với tỷ lệ từ 50% đến 80%. Đồng thời, 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số người lao động bị mất việc.
Bảo đảm an sinh cho lao động trong ngành du lịch
Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch G20, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) Lê Quang Tùng cho biết, đối với ngành du lịch - một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã triển khai những giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, người lao động.
Trong đó, đối với người lao động của ngành du lịch, Bộ VHTT và DL đã đưa ra những giải pháp như hỗ trợ cho người lao động trong ngành du lịch bị mất việc hoặc tạm ngừng lao động số tiền từ 1-3 tháng lương cơ bản; tạm dừng đóng một số loại quỹ của bảo hiểm xã hội; điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp…
Tạo việc làm và thu nhập cho người lao động sẽ chỉ được bảo đảm khi các hoạt động du lịch trở lại bình thường. Dù mới chỉ khảo sát một lượng khá nhỏ so với tổng số lượng doanh nghiệp du lịch hiện nay, nhưng TAB cũng ghi nhận, có hơn 88% doanh nghiệp phản hồi họ cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ. Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, khảo sát tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn, hầu hết các công ty đều mong muốn có những chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp như có các gói tín dụng cho vay với lãi suất 0% để trả lương nhân viên, giảm lãi suất ngân hàng, miễn giảm thuế, điện nước…
Trước đó, Bộ VHTT và DL cũng đã có văn bản số 1399/BVHTTDL-TCDL gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch, với việc đề nghị đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói 62 nghìn tỷ đồng trong Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đề nghị cho phép doanh nghiệp du lịch và người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6-2021; đồng thời điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 như: Giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu để nhận quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng xuống còn ba tháng trong 24 tháng qua, miễn các khoản đóng góp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng tăng tỷ lệ thay thế từ 60% đến 80%.
Theo ông Nguyễn Viết Trãi, Giám đốc Công ty du lịch Mai Linh miền trung, bên cạnh chủ trương và chính sách chung, các doanh nghiệp cũng như người lao động trong ngành du lịch cũng mong muốn đơn giản hóa quy trình, giải quyết quyền lợi cho người lao động được nhanh chóng và kịp thời, để có thể vực dậy ngành "công nghiệp không khói" đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.