Khó kiểm soát lợn thịt đưa sang Trung Quốc

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay thị trường Trung Quốc khan hiếm lợn thịt, giá chênh lệch nhiều so với Việt Nam. Lợi dụng điều này, nhiều thương lái của Việt Nam ồ ạt thu gom lợn thịt đưa sang Trung Quốc tiêu thụ gây thiếu hụt nguồn cung lợn thịt trong nước, đẩy giá lên cao nhất trong lịch sử.

Thực tế việc một số thương lái thu gom lợn thịt đi các tỉnh biên giới như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang rồi đưa sang biên giới Trung Quốc tiêu thụ vẫn tồn tại nhiều năm nay, đặc biệt trong thời điểm này số lượng lợn thịt được đưa sang Trung Quốc có chiều hướng gia tăng. Theo một thương lái ở thôn 31, xã Thái Sơn (Hàm Yên) chuyên chạy hàng lợn thịt sang thị trường Trung Quốc, trung bình mỗi ngày anh giao 2 xe hàng (khoảng 8 - 10 tấn lợn/xe) cho thương lái người Trung Quốc qua đường tiểu ngạch thuộc 2 tỉnh Cao Bằng và Hà Giang. Theo thương lái này do lệnh cấm của cả 2 quốc gia nên không thể chở lợn bằng xe ô tô mà phải làm hàng rào dài qua đường rừng núi rồi đuổi lợn chạy bộ sang Trung Quốc. Cực khổ nhưng giá lợn cao gần gấp 1,5 lần so với Việt Nam, trừ chi phí đi lại, ăn uống, thuê nhân công lãi khoảng 500 - 700 nghìn đồng/con tùy theo trọng lượng, nhu cầu thị trường. Thương lái này cho biết thêm, trên địa bàn xã Thái Sơn (Hàm Yên) có ít nhất 3 đầu mối thu mua lợn đưa sang Trung Quốc tiêu thụ.

Thương lái xã Thái Sơn (Hàm Yên) thu gom lợn để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ.

Thương lái xã Thái Sơn (Hàm Yên) thu gom lợn để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ.

Việc thu gom lợn đi Trung Quốc đã và đang đẩy giá lợn thịt lên cao nhất trong lịch sử. Từ đầu tháng 11 đến nay, giá lợn hơi luôn giữ ở mức 75.000 đồng/kg và nếu không được kiểm soát tốt, khả năng từ nay đến hết Tết Nguyên đán giá sẽ tiếp tục đi lên. Điều này sẽ tác động xấu đến thị trường, gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp hiện nay. Bởi việc thu mua, vận chuyển chui, không được kiểm soát, lợn ốm, lợn nhiễm bệnh không được xử lý dịch bệnh sẽ lan rộng.

Trao đổi về vấn đề này ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định, chi cục chỉ có thẩm quyền cấp giấy kiểm dịch động vật đi các tỉnh trong nước, việc cấp giấy kiểm dịch xuất khẩu động vật thuộc quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với thẩm quyền cấp giấy kiểm dịch động vật trong nước nên ngành rất khó có thể kiểm soát, ngăn chặn hay thống kê được số lượng động vật được chuyển ra nước ngoài. Thực tế một số thương lái xin cấp giấy kiểm dịch đi các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang... ngành cũng chỉ biết kiểm tra, kiểm soát động vật đủ điều kiện để cấp đi các tỉnh, còn từ các tỉnh đó đi đâu thì ngành Thú y không thể biết được.

Cũng theo ông Công, nghiêm cấm xuất khẩu lợn sang Trung Quốc để kiểm soát, bình ổn giá lợn thịt trong nước, đặc biệt trong thời gian từ nay đến hết Tết Nguyên đán, đồng thời, khống chế, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, ngành Thú y các tỉnh phải phối hợp, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không đảm bảo an toàn dịch bệnh tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.

Theo đó, các địa phương tăng cường kiểm tra, nghiêm cấm tình trạng thu gom lợn thịt, sản phẩm thịt lợn sang Trung Quốc.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/kho-kiem-soat-lon-thit-dua-sang-trung-quoc-125637.html