Kho kim cương tỷ USD đầy ứ, giá lao dốc vì dịch Covid-19
Dịch Covid-19 giáng một cú đòn nặng vào ngành công nghiệp kim cương toàn cầu khi mặt hàng xa xỉ này ế ẩm, giá lao dốc.
Cơ sở của Tập đoàn De Beers tại ngoại ô thành phố Gaborone, thủ đô Botswana, là một trong những hầm kim cương lớn nhất thế giới. Và kho chứa đang ngày càng chật chội vì tình trạng kim cương ế ẩm.
Theo Bloomberg, De Beers - công ty khai thác kim cương hàng đầu thế giới - hầu như không bán được viên kim cương thô nào kể từ tháng 2. Đối thủ của họ - hãng kim cương Nga Alrosa PJSC - cũng đối mặt với tình cảnh tương tự.
Khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, ngành công nghiệp đá quý toàn cầu thoát cảnh đóng băng trong nhiều tháng qua, nhưng lại đối mặt với bài toán nan giải mới. Đó là làm sao để nhanh chóng tiêu thụ lượng hàng tồn kho giá trị hàng tỷ USD, nhưng không ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.
Thế giới xa hoa sụp đổ
Đại dịch Covid-19 có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) tàn phá nghiêm trọng thế giới kim cương xa hoa, hào nhoáng. Tại Ấn Độ, các cửa hàng trang sức đóng cửa, nghệ nhân buộc phải ở nhà. Hãng De Beers buộc phải hủy bỏ đợt bán tháng 3 do khách hàng không thể bay tới nơi kiểm tra chất lượng hàng.
De Beers và Alrosa đang quyết liệt bảo vệ thị trường. Các hãng này kiên quyết không giảm giá, thay vào đó cho phép khách mua tự do đàm phán lại hợp đồng mua đá quý. De Beers và Alrosa cũng cắt giảm sản xuất để hạn chế hàng tồn kho. Dù vậy, kim cương ế vẫn chồng chất trong kho.
Theo Gemdax, 5 công ty sản xuất kim cương lớn nhất thế giới đang “ngồi trên đống lửa” với số kim cương tồn kho lên đến 3,5 tỷ USD. Con số này sẽ tăng tới 4,5 tỷ USD vào cuối năm nay, tương đương 1/3 sản lượng kim cương thô cả năm.
“Các hãng đang hạn chế nguồn cung kim cương thô nhằm bảo vệ thị trường và giá đá quý. Nhưng câu hỏi là giải quyết đống hàng tồn kho như thế nào để vẫn bảo vệ được thị trường?”, Bloomberg dẫn lời chuyên giaAnish Aggarwal thuộc Gemdax.
Sau khi hủy bỏ đợt bán hàng hồi tháng 3, De Beers mở một đợt bán trong tháng 5 nhưng chưa công bố kết quả. Theo nguồn tin của Bloomberg, hãng chỉ bán được vỏn vẹn 35 triệu USD. Năm ngoái, đợt bán tháng 5 đạt doanh số 420 triệu USD.
Đợt mở bán cuối tháng này sẽ là một thử thách lớn đối với De Beers. Hãng đang nỗ lực thu hút khách hàng bằng việc cho phép khách kiểm tra kim cương bên ngoài Botswana. Bên mua có quyền từ chối nhận hàng dù đã ký hợp đồng.
Nhiều đối tác của và khách hàng của De Beers cho biết họ hoan nghênh động thái này. Trước đó, một số từng vô cùng bất mãn với phương thức bán hàng cứng nhắc của tập đoàn có trụ sở tại London (Anh).
Có giảm giá kim cương?
Đến nay, De Beers và Alrosa vẫn cương quyết không giảm giá bán kim cương thô, thậm chí còn từ chối các khách hàng đề nghị mua với mức giá ưu đãi đặc biệt. Trong khi đó, các nhà sản xuất kim cương nhỏ đã giảm giá bán.
Nguồn tin Bloomberg cho biết một số hãng kim cương nhỏ - đã gặp nhiều khó khăn từ trước khi dịch Covid-19 bùng nổ - đã giảm giá tới 25% tại các trung tâm buôn bán như Antwerp. Điều đó cũng gây sức ép lên các hãng lớn, khiến họ gặp khó trong việc chào mời khách hàng lớn.
Nhà phân tích Serge Donskoy thuộc Hiệp hội Thế giới nhận định các hãng khai thác kim cương “đang đối mặt với khó khăn chồng chất vì giá và doanh số lao dốc ở quy mô tương tự hồi khủng hoảng tài chính 2008-2009”.
Quản lý nguồn cung luôn là vấn đề đau đầu với ngành kim cương kể từ khi De Beers mất thế độc quyền. Lượng hàng tồn kho tăng vọt trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu và năm 2013. Xả kim cương thô tồn kho đồng nghĩa với việc lượng kim cương cắt mài tăng vọt, gây áp lực lớn lên các thợ cắt, nhà buôn và nhà sản xuất.
Tình trạng hiện tại còn khó khăn hơn. Hãng Alrosa cho biết lượng kim cương thô tồn kho của hãng có thể tăng lên 30 triệu carat tính đến cuối năm, tương đương tổng sản lượng hàng năm. Nhưng giá trị khó có thể đảm bảo tương đương. Alrosa muốn cắt giảm lượng tồn kho xuống 15 triệu carat trong vòng 3 năm.
Nền kinh tế toàn cầu đã le lói vài dấu hiệu phục hồi. Các hãng bán lẻ Trung Quốc mở cửa trở lại, Ấn Độ cũng cho phép nối lại 50% hoạt động sản xuất tại trung tâm xử lý hàng trang sức Surat. Các văn phòng giao dịch chính tại Ấn Độ cho phép 10% nhân viên làm việc ở công ty.
Vấn đề là các nhà sản xuất đã mua quá nhiều kim cương thô trong 2 tháng đầu năm. Với việc các trung tâm cắt mài đóng cửa suốt 2 tháng, lượng hàng tồn kho dự kiến còn tồn đọng tới tháng 7 hoặc 8. “Vẫn rất khó để dự doán thị trường sẽ phục hồi như thế nào”, nhà phân tích Anish Aggarwal thừa nhận.