Khó mấy vẫn phải làm

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đặt ra quy định các thành phố trực thuộc trung ương phải thực hiện việc phân loại rác tại nguồn chậm nhất đến ngày 31/12/2024. Đây là bước quan trọng nhằm giảm lượng chất thải, bảo vệ môi trường. Thế nhưng, dù đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động, kể cả thí điểm, đến nay công tác phân loại rác tại nguồn vẫn gặp nhiều khó khăn.

Là đô thị đặc biệt và được mệnh danh là “đầu tàu kinh tế” của cả nước với dân số đông nhưng TPHCM vẫn phải loay hoay phân loại rác tại nguồn. Mỗi ngày, đô thị này phát sinh khoảng 10.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Để giảm gánh nặng chi phí xử lý rác, chính quyền thành phố thực hiện thí điểm triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn từ năm 2011.

Dù vậy, sau gần 15 năm, việc thí điểm này vẫn dang dở. Qua thực tế triển khai thí điểm, tỷ lệ phân loại rác của TPHCM mới chỉ đạt 10 - 20% và bộc lộ một số khó khăn. Đặc biệt, việc đầu tư chưa đồng bộ khiến người dân tuy đã phân loại rác tại nguồn, nhưng sau đó vẫn bị trộn lẫn với các chất thải trước khi được đem chôn lấp. Một số khu dân cư trước đây đã từng triển khai nhưng đến nay lại tiếp tục rơi vào tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Do đó, công tác phân loại rác tại nguồn của TPHCM còn tồn tại nhiều bất cập và chưa có giải pháp phù hợp.

Cũng như TPHCM, từ năm 2006, một dự án phân loại rác từ nguồn do Chính phủ Nhật Bản tài trợ được triển khai tại TP Hà Nội. Dự án kéo dài trong 4 năm, sau đó vì nhiều bất cập cũng lại dang dở. Việc phân loại rác thải tại 4 quận nội thành của TP Hà Nội cũng vì thế phải dừng lại cho đến nay.

Một đô thị trực thuộc trung ương khác là TP Đà Nẵng, với 2 dự án xây dựng nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại. Kỳ vọng của chính quyền để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ rác thải chôn lấp xuống dưới 20% vào cuối năm 2025 theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là rất lớn. Tuy nhiên đến nay cả 2 dự án trên đều đang “nằm” trên giấy sau nhiều lần điều chỉnh.

Tương tự, hầu hết các thành phố trực thuộc trung ương khó có thể đạt mục tiêu giảm tỷ lệ rác chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20% khi mà chỉ còn chưa đến 3 tuần nữa là đến ngày 31/12/2024. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kể từ 1/1/2025, là thời gian hạn chót các thành phố trực thuộc trung ương phải thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Tất cả rác chôn lấp phải là rác hợp vệ sinh tại khu vực chôn lấp chất thải rắn. Quy định này cũng đặt ra yêu cầu cụ thể về phân loại rác, với 3 nhóm: chất thải hữu cơ, chất thải tái chế và chất thải khác. Đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ để chống lại tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.

Giờ “G” đã rất gần, các thành phố trực thuộc trung ương dù khó vẫn phải đặt ra mục tiêu quyết tâm cao nhất để thực hiện giảm tỷ lệ rác chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20% theo Chỉ thị số 41 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu chưa thể đáp ứng được về công nghệ xử lý, vẫn phải đạt được mục tiêu trên 90% rác được tái chế và tái sử dụng lại, góp phần giảm đáng kể vào giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các loại rác thải ra môi trường hiện nay.

Lê Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kho-may-van-phai-lam-10296009.html