Khó ngăn động vật quý lên bàn nhậu
Nhiều loài động vật quý hiếm ở ĐBSCL bị săn bắt, mua bán, xẻ thịt đưa vào các nhà hàng, quán ăn tiêu thụ rầm rộ bất chấp pháp luật
Một buổi sáng mới đây, rất nhiều người dân sống ở khu vực thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) kéo nhau đến xem con cá hô nặng hơn 111 kg, dài 1,3 m được đưa từ Campuchia sang, tập kết bên bờ sông Tiền.
Đánh bắt, buôn bán công khai
Người mua con cá này là một thương lái nhưng chưa rõ từ đâu đến đã nhanh chóng nhờ nhiều người khác phụ việc cân cá trước khi đưa lên xe tải vận chuyển về TP HCM giao cho nhà hàng phục vụ những thực khách sành điệu. Người dân hiếu kỳ còn đua nhau chụp ảnh, quay clip rồi chia sẻ lên mạng xã hội để "khoe" với mọi người về loài cá quý hiếm sắp bị xẻ thịt.
Trước đó, ông Salyman (ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) đến khu vực đầu nguồn sông Hậu, giáp ranh với sông Bassac của Campuchia để đánh bắt cá. Lúc này, ông phát hiện có con cá rất to, ngoi đầu lên khỏi mặt nước vài lần nên dùng lưới vây bắt. Xác định đây là cá tra dầu quý hiếm, ông Salyman chở về nhà rồi gọi điện cho thương lái đến cân bán. Con cá nặng 230 kg, được mua với giá 200.000 đồng/kg.
Ở Cà Mau và Sóc Trăng, dơi quạ (tên khoa học là Pteropus vampyrus, có sải cánh khoảng 1,5 m) đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng do người dân lén lút săn bắt và thương lái săn lùng thu mua với giá trên 250.000 đồng/kg để cung cấp cho các quán nhậu.
Tại chùa Dơi ở Sóc Trăng, trước đây có hàng ngàn con dơi quạ treo mình lơ lửng trên những hàng cây sao, cây dầu cổ thụ trong chùa. Tuy nhiên, hiện nay, loài động vật có vú quý hiếm này đã vắng bóng rất nhiều bởi việc săn bắt của người dân.
Tỉnh Đồng Tháp vốn sở hữu điều kiện thiên nhiên đặc biệt với các vùng đất ngập nước, tập trung ở Vườn Quốc gia Tràm Chim, Gáo Giồng, Xẻo Quýt... Nơi đây thu hút nhiều loài động, thực vật quý hiếm cần được bảo tồn. Thời gian qua, việc đánh bắt, giăng lưới, bẫy các loài động vật quý hiếm đã làm ảnh hưởng nhiều đến việc bảo tồn thiên nhiên tại các khu vực này.
Là một trong những hộ có thâm niên đi buôn động vật hoang dã thuộc khu vực xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, ông T.M.T chào hàng: "Nếu muốn mua cò ốc, rắn, rùa... thì cứ cho số điện thoại rồi đi về sẽ có người mang đến nơi cho anh. Giá cả anh em mình thỏa thuận sau!".
Mức phạt nặng nhưng khó xử lý
Trước tình trạng dơi quạ ngày càng suy giảm số lượng, tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng từng chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn loài động vật hoang dã quý hiếm này. Bên cạnh đó, ngành chức năng tăng cường biện pháp bảo vệ các vườn dơi, có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp săn bắt và mua bán dơi quạ... Trong khi đó, ông Trần Châu Phương Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho rằng đa phần các loại cá quý hiếm sau khi bị đánh bắt trái phép đều khó phát hiện kịp thời để xử lý vì thương lái mua xong là tranh thủ chở đi nơi khác tiêu thụ.
"Cá tra dầu và cá hô được xếp vào loài thủy sản thuộc nhóm 1 của danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm. Do đó, những ai tham gia khai thác trái phép loài thủy sản này sẽ chịu mức xử phạt hành chính cao nhất lên đến 100 triệu đồng, đồng thời buộc thả thủy sản còn sống về môi trường tự nhiên hoặc chuyển giao thủy sản đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Trong trường hợp cá tự mắc vào lưới thì ngư dân phải chuyển cho cơ quan chức năng gần nhất để thực hiện công tác cứu hộ. Ngược lại, nếu cá đã chết thì cơ quan chức năng sẽ tịch thu, chuyển cho các viện, trường lưu trữ mẫu phục vụ công tác nghiên cứu hoặc dạy học" - ông Tuấn khẳng định.
Cũng theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, Nghị định 42 của Chính phủ quy định ngay cả những người đi thu gom, mua bán, lưu trữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển trái phép loài thủy sản này cũng sẽ chịu mức phạt cao nhất lên đến 1 tỉ đồng nếu lô hàng có khối lượng từ 2 tấn trở lên. Riêng trường hợp ngư dân tham gia đánh bắt thủy sản ở nước ngoài thì không nằm trong phạm vi áp dụng của nghị định nên không có cơ sở để chế tài xử lý.
Nhưng hiện các ngành chức năng vẫn chưa thể xử phạt trường hợp nào về đánh bắt thủy sản quý hiếm vì ngư dân thường khó khăn nên không có khả năng nộp phạt. Trường hợp nếu xác định khu vực đánh bắt thuộc thủy phận do Campuchia quản lý thì không có cơ sở để xử lý.
Lén lút bày bán
Tại một sạp hàng chuyên bán chim, cò... trong chợ Tràm Chim (chợ trung tâm huyện Tam Nông), chúng tôi quan sát thấy một số con chim, cò, trích... còn sống được nhốt trong chuồng lưới, một số con chết bị nhổ lông để trong cái mâm nhôm trên chuồng.
Nhiều tiểu thương cho biết thời gian qua, công an, kiểm lâm thường xuyên kiểm tra nên họ không bày bán công khai như trước đây và mỗi lần bán cũng ít. Khi được hỏi nguồn gốc ở đâu, các tiểu thương này đều có chung câu trả lời là của mối, lái mang đến.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/kho-ngan-dong-vat-quy-len-ban-nhau-202002162112262.htm