Khó nhọc đời… bán 'giấc mơ tỉ phú'

Sáu tháng đầu năm 2023, các công ty xổ số phía Nam nộp ngân sách 22.000 tỉ đồng nên phải ghi nhận đóng góp rất lớn của những người bán vé số dạo và có chính sách trả công sòng phẳng

Cuối tuần, chuẩn bị cho những ngày nghỉ ngơi nhưng lại có một thông tin rất buồn: những người bán vé số ở Cà Mau tủi thân kể rằng họ khốn khó vì không được trả lại vé số bán chưa hết. "Ôm vé số" trong khi kiếm tiền đong gạo từng ngày thật là tình cảnh trớ trêu, bởi "giấc mơ tỉ phú" không thể làm no bụng.

Các bên đều có lời giải thích. Đại diện Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cà Mau khẳng định các đại lý vé số được trả lại cho công ty vé số bán không hết. Họ phải nhận lại vé bị ế của người bán dạo. Lý thuyết là thế nhưng hành trình một tấm vé số từ công ty đến tay người bán lẻ qua nhiều tầng nấc, "luật riêng" nên việc trả lại vé số thiên nan vạn nan. Vả lại, người bán vé số dạo thất thế mọi bề có cãi cũng không tìm được sự công bằng cho mình, ngoài việc có thể bị thất nghiệp.

Theo hợp đồng phổ biến hiện nay, tỉ lệ chiết khấu từ công ty cho đại lý cấp 1 khoảng 13%-15%. Từ đại lý cấp 1 trở xuống cũng tương tự nhưng vé số đến tay người bán chỉ lời khoảng 10%. Chiết khấu thấp nhưng người bán cũng không có được chế độ an sinh hay bảo hiểm nào khác, kể cả bảo hiểm tai nạn.

Ông Nguyễn Kỳ Sang (ngụ quận 4, TP HCM), một người bán vé số hơn chục năm qua, kể: Bán mỗi vé 10.000 đồng thì lời được 1.000 đồng. Mỗi ngày ông bán từ sáng sớm đến 15 giờ được khoảng 100 vé. Những ngày mưa thì vô chừng, có khi chỉ bán được vài chục vé. Nếu đại lý không cho trả vé thừa thì chỉ cần giữ lại chục vé, ngày đó xem như làm không công.

Vất vả hằng ngày nhưng người bán vé số chỉ lời được 1.000 đồng cho mỗi tờ vé số Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Vất vả hằng ngày nhưng người bán vé số chỉ lời được 1.000 đồng cho mỗi tờ vé số Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bán vé số là nghề chẳng đặng đừng. Vì mưu sinh nên nhiều người mới phơi mình dưới nắng mưa kiếm đồng tiền lẻ qua ngày. Khó dễ với họ thì tội, mà kiếm lãi từ họ thêm ít tiền thì cái tâm của mình liệu có bình an?

Phải thừa nhận bán vé số là nghề mưu sinh của hàng vạn người mà hầu hết có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người kém may mắn, thương tật, mất sức lao động cũng có thể tìm được thu nhập hằng ngày để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, đây là quan hệ kinh doanh đôi bên cùng có lợi nên cần có sự tôn trọng và sòng phẳng. Không thể vì người bán yếm thế mà các đại lý tự đưa ra các quy định ngầm để đẩy bất lợi về phía họ. Vả lại, đã là quy định phải thu hồi vé số chưa bán hết từ hợp đồng thì công ty xổ số phải có trách nhiệm với người bán vé số. Dẫu thế nào thì đội ngũ hàng vạn người bán vé số dạo chính là những người làm nên lợi nhuận của công ty.

Từ những bước chân nhọc nhằn của người bán vé số, chợt nghĩ đến con số gần 8.800 tỉ đồng tiền lãi mà các công ty xổ số khu vực miền Nam thu được trong 6 tháng đầu năm 2023. Lợi nhuận quá tốt, các công ty này đề xuất tăng thêm phát hành vé bán. Dù biết lợi nhuận của vé số chủ yếu dùng vào các công trình phúc lợi công cộng, chăm lo cho người khó khăn… nhưng chính những người bán vé dạo cũng đang khó khăn thì các cơ quan chức năng cần có chính sách cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống của họ.

Vả lại, ngành này đóng góp cho ngân sách rất lớn, chỉ 6 tháng đầu năm 2023 riêng khu vực phía Nam đã nộp khoảng 22.000 tỉ đồng, gấp đôi ngành dầu khí. Có những địa phương nguồn thu ngân sách lớn nhất là từ vé số, thậm chí chiếm khoảng 30% như tỉnh Sóc Trăng (năm 2022). Từ con số này phải ghi nhận đóng góp rất lớn của những người bán vé số dạo và có chính sách trả công sòng phẳng. Không thể thu lợi nhuận lớn, đóng góp cho xã hội nhiều mà các doanh nghiệp lại dễ dàng quên đi công lao và thân phận khó nhọc của những người bán vé số dạo.

Về lý thì thế, mà về tình thì càng phải nên như thế.

Triệu Ngân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/kho-nhoc-doi-ban-giac-mo-ti-phu-20230826204852917.htm