Khó, nhưng vẫn có thể vượt qua!

'Con đường ấy khó khăn hơn bất cứ con đường nào nhưng cũng là con đường nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự vào cuộc quyết liệt của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và đặc biệt là ý thức, sự nỗ lực của chính chúng tôi - những người vay vốn. Vì thế, tuy khó nhưng chỉ cần đồng lòng, quyết tâm thì vẫn có thể vượt qua…' - hộ vay Lê Khắc Loan ở Đô Lương, Nghệ An chia sẻ.

Sức mạnh của nguồn vốn chính sách

Vừa thu vén đồ đạc để chuẩn bị tu sửa lại ngôi nhà cũ, vợ chồng chị Nguyễn Thị Sửu và anh Lê Khắc Loan vừa cho biết, gia đình anh từng là hộ nghèo “lâu năm” của xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Khi được tiếp cận 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện Đô Lương để mua 2 con bò sinh sản, anh chị đã “bắt” được cơ hội và từng bước thoát khỏi mác nghèo lâu năm. Sang giai đoạn cận nghèo, gia đình anh chị tiếp tục được NHCSXH huyện hỗ trợ 50 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo để đầu tư mua thêm 3 con bò về chăn nuôi. Cứ thế, đàn bò sinh sản 5 con của anh chị đã từng bước giúp gia đình anh tăng thu nhập và mở rộng trồng trọt, chăn nuôi lợn, gà.

Hộ nghèo ở Đô Lương phát triển mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn chính sách. Ảnh: T. Huyền

Hộ nghèo ở Đô Lương phát triển mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn chính sách. Ảnh: T. Huyền

Một ví dụ khác, gia đình anh Nguyễn Văn Tám, chị Trần Thị Chuyên ở xóm Thuận Minh, xã Thuận Sơn cũng đã thoát nghèo và làm giàu nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách. Với gần 1 tỷ đồng đầu tư trang trại trồng trọt, gồm thuê đất, mua máy cày, dựng hệ thống tưới nước, thuê thường xuyên 5 - 6 lao động, hàng năm các mùa bí, bầu, rồi ngô ngọt, mùa nào thức nấy đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đến nay, sau hơn 4 năm tận dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, gia đình anh Tám không chỉ trả hết nợ, mà còn có một cơ ngơi được người dân địa phương gọi là “triệu phú nông dân” vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt kết hợp làm dịch vụ năng động, cho thu nhập ổn định.

Nguồn vốn của NHCSXH Đô Lương không chỉ giúp người dân thoát nghèo, vươn lên, phát triển kinh tế mà còn là cứu cánh cho những ước mơ học trò trên các giảng đường cao đẳng, đại học. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện đã trở thành những công nhân, kỹ sư, giáo viên… bằng chính nguồn vốn tràn đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước.

Huy động tiết kiệm, bổ sung nguồn vốn cho vay

Về Đô Lương hôm nay không khó để tìm các mô hình vay vốn hiệu quả từ NHCSXH. Có thể kể đến các mô hình: chị Nguyễn Thị Tuyết xóm Văn Thọ, xã Hiến Sơn vay chương trình giải quyết việc làm 100 triệu đồng để tu sửa chuồng trại, nuôi hươu; chị Trần Thị Lý ở xóm Thắng Lợi, xã Bồi Sơn vay chương trình hộ cận nghèo 100 triệu đồng để mua 2 con trâu sinh sản, phát triển kinh tế. Ngoài ra, chị Lý cũng vay 20 triệu đồng từ Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây dựng công trình vệ sinh nước sạch và giếng khoan sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày...

Không chỉ vay vốn chăn nuôi, một số người trẻ ở Đô Lương đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả. Điển hình như mô hình anh Trần Văn Thế Đàn sinh năm 1985, ở xóm Đông Thịnh, xã Giang Sơn Đông vay vốn NHCSXH 100 triệu đồng để mở ki-ốt kinh doanh, sản xuất thắt lưng da tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Đến nay, số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện đạt gần 37 tỷ đồng, hoàn thành 143% kế hoạch cấp trên giao với 10.781 khách hàng tham gia gửi tiền tiết kiệm, chiếm tỷ lệ gần 100% số khách hàng đang còn dư nợ. Cùng với đó, huy động tiền gửi tiết kiệm theo lãi suất thị trường thông qua các đơn vị ủy thác cấp huyện đến nay đạt 37,599 tỷ đồng, chiếm 43,39% so tổng số dư tiền gửi tiết kiệm theo lãi suất thị trường. Nổi bật có Hội Phụ nữ huyện có số dư tăng trưởng lớn nhất với số tiền 1,187 tỷ đồng. Các xã có số dư tăng trưởng lớn so với đầu năm như Nam Sơn, Giang Sơn Đông, Quang Sơn, Bồi Sơn, Đại Sơn, Bắc Sơn.

Giám đốc NHCSXH huyện Đô Lương Nguyễn Hữu Kỳ cho biết, trong quý I.2023, Ban đại diện HĐQT tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao. Tranh thủ UBND huyện trích nguồn ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH huyện để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 3,244 tỷ đồng, tăng 500 triệu đồng so với đầu năm. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt hơn 594 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 4,01%; tổng dư nợ đạt 593,685 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt gần 4%.

Với nhiều giải pháp linh hoạt trong huy động vốn đã giúp NHCSXH Đô Lương tăng nguồn vốn để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Qua đó, giúp bà con phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Thu Huyền

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/kho-nhung-van-co-the-vuot-qua-i334107/