Kho no ấm của người Dao

Những ngày đầu tháng Chạp, men theo câu khắp Nôm của đồng bào Tày, chúng tôi về vùng trồng lúa Chăm pét để mục sở thị 'công trình' có một không hai của đồng bào Dao đỏ ở thôn Dần Thàng, xã Dần Thàng (Văn Bàn). Vốn nức tiếng là vùng trồng giống lúa đặc sản của đất Văn Bàn, dường như sự hiện hữu của những kho 'no ấm' là sự sắp đặt có chủ đích của tạo hóa, làm nên bản sắc riêng cho vùng đất này…

Men theo “dải lụa” uốn lượn trên non cao, chúng tôi cứ thế ngược dốc trên những con đường được đổ bê tông phẳng lỳ đến trung tâm xã Dần Thàng vào một ngày đông đầy nắng. Cái lạnh nơi đại ngàn như được xua tan bởi ánh nắng ấm áp. Những bông đào rừng e ấp bắt đầu bung nở như muốn gọi mùa xuân về. Giữa bạt ngàn núi rừng, cùng với những nếp nhà cheo leo bên vách núi, những kho thóc của đồng bào Dao đỏ nơi đây hiện diện tạo nên một nét riêng trong bức tranh vùng cao Dần Thàng.

Từ bao đời nay, người Dao ở xã Dần Thàng có truyền thống làm kho thóc, nhưng không phải ai cũng biết, để có kho “no ấm” này đòi hỏi sự công phu và chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Thật may mắn, chúng tôi tìm được ông Triệu Kim Phú - người cao tuổi nhất của thôn Dần Thàng. Năm nay ông Phú tròn 90 mùa xuân, dù sức khỏe đã giảm sút rất nhiều nhưng khi nhắc đến chuyện làm kho thóc của người Dao ở Dần Thàng, dường như những mệt nhọc trong ông tan biến. Đôi mắt đầy dấu vết thời gian bỗng rực sáng và ông không quên nở nụ cười khi bắt đầu câu chuyện về kho thóc: Làng người Dao ở Dần Thàng đã có 4 thế hệ sinh sống. Nghe người xưa kể lại, khi người Dao đầu tiên đi tìm đất lập làng, đến ao muối (tiếng Dao là Dần Thàng) thấy đất đai màu mỡ, phong cảnh sơn thủy hữu tình liền chọn nơi này để an cư, lạc nghiệp. Đất đai phì nhiêu, người dân chăm chỉ nên mỗi vụ thu hoạch, thóc lại chất đầy nhà. Tuy nhiên, việc để thóc trong nhà không những “lôi kéo” đàn chuột về phá mà còn khiến nhiều người ốm đau, mùa màng thất bát. Năm ấy, thầy cúng lập đàn cầu an cho cả làng thì biết được “ý tứ” của thần linh là không được để thóc trong nhà. Thế rồi người Dao cũng được thần linh báo mộng rằng, phải làm kho chứa thóc xa nơi ở để cho thần lúa ngự trị, bảo vệ sự no ấm, yên bình cho mọi nhà. Vậy nên người già trong làng đứng ra chỉ đạo con cháu chặt gỗ, chặt vầu, lấy cây gianh về làm nhà cho “thần lúa” ở…

Dừng lại một chút như để lấy sức, ông Phú tiếp tục câu chuyện: Không biết lịch sử ra đời của kho thóc đến giờ có mấy trăm năm nhưng đời cụ, đời ông, đời cha rồi đến đời con, người Dao ở đây vẫn duy trì làm kho để tích trữ thóc sau mỗi mùa vụ. Ông Triệu Phúc Tình ở thôn Dần Thàng có 2 kho thóc to nhất, nhì của thôn cho hay: Từ thời ông nội, rồi đến bố của ông đều đã làm kho đựng thóc như thế này rồi.

Những kho thóc được làm kiên cố và cách xa nhà ở. Nếu là người mới đến đây lần đầu hẳn sẽ nghĩ đó là những căn nhà sàn nhỏ, nhìn từ xa như một bản làng... Dọc theo con suối hoặc men trên các sườn đồi, lưng núi, những kho thóc cứ hiển hiện, tồn tại theo năm tháng, âm thầm giữ sự no ấm cho người dân ở vùng đất này. Không chỉ vậy, nhiều kho thóc còn được làm ngay tại ruộng, cũng tiện để cất trữ thóc sau mỗi vụ gặt. Bởi vậy, trên những thửa ruộng bậc thang rất dễ gặp những kho thóc nhìn như chòi gác trông lúa… Mỗi kho thóc đều có chủ, dù không cần trông coi, cũng không bao giờ bị mất thóc.

Theo quan niệm của đồng bào Dao đỏ ở Dần Thàng, vị trí đặt kho thóc phải xa nơi sinh hoạt của gia đình, vì có thần lúa ngự trị. Đưa chúng tôi “mục sở thị” nơi đặt kho thóc, ông Triệu Phúc Tình say sưa giới thiệu: Việc chọn địa điểm đặt kho thóc phải được tất cả người dân trong thôn họp bàn, thống nhất. Nếu như làng người Dao ở Nậm Mười đặt kho thóc tại ruộng thì người Dao ở Dần Thàng lại đặt kho thóc sát đường liên thôn. Một trong những tiêu chí “đóng đinh” khi chọn vị trí đặt kho thóc phải là nơi có diện tích rộng, bằng phẳng, không xen lẫn với nhà ở, nghĩa là tách biệt với nơi ở, càng gần đường giao thông càng tốt, sẽ thuận tiện cho việc lấy thóc sau này.

Chọn được địa điểm đã khó, việc làm kho thóc còn cầu kỳ hơn rất nhiều và phải tuân thủ các yếu tố tâm linh. Chủ nhà phải xem ngày tốt, thường là ngày Dần trong tháng 8 âm lịch để bắt đầu làm kho thóc. Trước khi dựng kho thóc, người Dao ở Dần Thàng đã có khoảng 1 tháng để chuẩn bị đầy đủ vật liệu, gồm gỗ tốt, vầu, cỏ gianh phơi khô, cột kê bằng đá. Nói thì đơn giản nhưng chuẩn bị vật liệu là công đoạn khó khăn và phức tạp nhất, đòi hỏi tốn nhiều công lao động. Người Dao phải vào rừng sâu, chọn cây gỗ tốt để làm cột, chặt cây vầu già, thẳng, “mười cây như mười” để làm dát. Sau đó, mỗi cây vầu, họ chặt làm 3 đoạn, rồi băm dọc làm dát. Toàn bộ phần vách và sàn kho thóc được làm bằng 2 lớp dát vầu ghép lại, rất kín, đến mức không cần phải lót thêm lớp bạt phía trong mà thóc vẫn không thể lọt được, đồng nghĩa với việc chuột, gián cũng khó “xâm nhập”. Chỉ tay vào kho thóc đã làm cách đây 40 năm, ông Triệu Phúc Tình khoe: “Cái hay của việc làm vách và sàn kho thóc bằng dát vầu ghép chính là vừa kín, vừa hở”. Thấy tôi còn ngỡ ngàng không hiểu, ông Tình liền chỉ những khe hở chỉ cái kim chui vừa ở phần vách và nói: “Chính những khe hở này tạo độ thoáng, nên thóc không bị ẩm mốc”.

Kho thóc được làm kiên cố và cách xa nơi ở.

Kho thóc được làm kiên cố và cách xa nơi ở.

Để việc chuẩn bị vật liệu đảm bảo tiến độ, người Dao ở Dần Thàng thường phân công từng người làm công việc cụ thể. Người băm dát, đẽo cột, người tìm đá để kê, người cắt cỏ gianh phơi khô làm mái. Mỗi công đoạn là một nghệ thuật, đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ và rất công phu, đơn cử như công đoạn tìm đá để kê kho thóc. Một trong những yêu cầu bắt buộc là kho cách mặt đất từ 60 - 80 cm để tránh ẩm ướt, do đó, người Dao thường phải đi dọc các con suối để tìm được những viên đá rắn chắc, sau đó mang về bổ thành 9 cột đá vừa vuông thành sắc cạnh vừa đảm bảo chiều cao, đủ “cõng” cả kho thóc. Tùy vào điều kiện của gia đình mà người ta làm kho thóc to hay nhỏ, trung bình mỗi kho chứa được 4 tấn thóc. Do cả đời người chỉ làm một kho thóc nên tất cả công đoạn từ chuẩn bị vật liệu đến dựng kho thóc đều được người Dao ở Dần Thàng làm cẩn thận và tuân thủ đúng quy trình.

Mở kho thóc cũng là một nghệ thuật và mang nặng yếu tố tâm linh. Việc mở cửa kho thóc lần đầu tiên phải được gia chủ chọn ngày lành tháng tốt, những lần mở sau không phải xem ngày.

Ngày nay, dù cuộc sống ở vùng cao đã có nhiều đổi thay, diện mạo nông thôn dần khởi sắc, người dân không còn phải lo thiếu đói, tích trữ gạo như trước nữa. Tuy nhiên, việc cất giữ thóc ở kho vẫn là nét sinh hoạt đặc sắc của đồng bào Dao đỏ ở Dần Thàng bởi họ quan niệm: Kho càng nhiều thóc thì càng chứng tỏ gia đình giàu có và no ấm. Do đó, dù một số hộ trong thôn đã xây kho thóc kiên cố, mái lợp tôn, nhưng nhiều hộ vẫn truyền dạy cách làm kho thóc cho con cháu, với họ, kho “no ấm” thể hiện tài năng, sự tinh tế và bản sắc văn hóa của những người Dao đỏ trên vùng đất “ao muối”.

Thanh Nam

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/kho-no-am-cua-nguoi-dao-z62n20200109131142252.htm