Khó quản du lịch mạo hiểm
Với nhu cầu được trải nghiệm của du khách, nhiều dịch vụ du lịch mạo hiểm đang được mở ra ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; cùng với đó, nhiều vấn đề cần đặt ra cho công tác quản lý
Ngày 27-6, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết tỉnh này đã cấp phép cho 22 đơn vị kinh doanh dịch vụ lặn biển. Tuy nhiên, một số công ty du lịch không có chức năng lặn biển mà vẫn nhận khách với giá khá cao, sau đó bán lại cho công ty khác hoặc thuê hướng dẫn viên (HDV), thậm chí trực tiếp đưa khách đi lặn.
Quản lý chưa chặt
Một huấn luyện viên (HLV) lặn cho biết theo quy định, người tham gia môn thể thao nguy hiểm này phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc mà HDV đưa ra, như phải lặn cùng đoàn, không tự ý lặn một mình, bơi chậm và không lặn quá sâu. Đặc biệt, không được uống rượu, bia trước khi lặn. Sau khi lặn, chờ 24 giờ để cơ thể phục hồi trước khi lên máy bay. Vì vậy, người lặn phải cân nhắc kỹ nếu thời gian du lịch eo hẹp. "Những người bị bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh đường hô hấp thì tuyệt đối không được tham gia các hoạt động lặn và thể thao giải trí trên biển. Thực tế thì công tác rà soát sức khỏe rất khó khăn" - HLV này nói.
Chúng tôi tham gia đăng ký một tour lặn biển. Người nhận đăng ký thậm chí không thèm nhìn khách có đủ sức lặn không, nói gì đến việc kiểm tra sức khỏe trước khi nhận vào tour. Đăng ký một nơi nhưng khi đi lặn lại một nơi khác. Đến khi lên thuyền đi lặn, nhiều người vẫn còn nồng nặc mùi bia, rượu. Tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), đã có nhiều nạn nhân tử vong liên quan đến việc lặn biển.
Chúng tôi mang những điều băn khoăn này tìm đến Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, ông Võ Ngọc Hùng, phó giám đốc sở, cho biết dịch vụ lặn biển là môn thể thao có tính nguy hiểm cao nên sở yêu cầu giám sát chặt chẽ để bảo đảm tính mạng du khách. Theo đó, mỗi tour lặn phải có đủ số lượng HLV, HDV, nhân viên y tế, cứu hộ. Du khách có giấy chứng nhận về môn lặn thì cứ 2 khách lặn phải có 1 HLV hoặc 1 HDV kèm, khách chưa có giấy chứng nhận thì cứ 1 người lặn phải có 1 HLV kèm. "Chúng tôi đã cử đơn vị chức năng rà soát lại các đơn vị cung cấp dịch vụ lặn biển để bảo đảm thực hiện đúng quy định; nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép" - ông Hùng khẳng định.
Liên quan đến thể thao mạo hiểm, gần đây, tại Khánh Hòa xuất hiện việc bay bằng dù lượn. Theo ông Hùng, hiện việc quản lý môn thể thao này còn manh mún, thiếu cơ chế xử lý nghiêm. "Đây là bộ môn cực kỳ mạo hiểm. Chỉ cần một sai sót thì phải trả giá bằng tính mạng. Do đó, môn thể thao này phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ" - ông Hùng nói.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng vừa giao UBND TP Nha Trang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động dịch vụ du lịch mạo hiểm.
Lập đoàn kiểm tra thường xuyên
Hiện TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng đang nở rộ các dịch vụ du lịch mạo hiểm như: Đu dây vượt thác, trượt máng theo thác, leo núi, đua môtô, xe đạp địa hình, nhảy dù, trò chơi mạo hiểm High Rope Course. Các dịch vụ này đang thu hút đông giới trẻ. Tuy nhiên thời gian qua, liên tục xảy ra tình trạng du khách tử nạn khi tham gia các tour mạo hiểm này.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết trước những sự cố đáng tiếc xảy ra trong vài năm gần đây đối với loại hình du lịch mạo hiểm, tỉnh Lâm Đồng đã chủ động thành lập đoàn công tác liên ngành, trong đó đại diện là ngành văn hóa, thể thao và du lịch, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, y tế, UBND TP Đà Lạt để kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên đối với Công ty CP Du lịch Đà Lạt và 7 đơn vị tham gia khai thác du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh này. Theo bà Ngọc, việc quản lý loại hình du lịch mạo hiểm cần những cơ chế đặc biệt, chặt chẽ, mang tính chuyên nghiệp cao và việc quản lý rủi ro phải được quan tâm hàng đầu.
"Doanh nghiệp kinh doanh du lịch mạo hiểm phải có giấy phép riêng, cơ quan quản lý xây dựng bộ quy chế cụ thể dành cho các đơn vị khai thác loại hình này. Trang thiết bị cần đạt chuẩn quốc tế, mua bảo hiểm cho khách, nhân sự cần phải qua các khóa đào tạo chuyên sâu về du lịch mạo hiểm. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, khai thác các nội dung trò chơi theo quy chuẩn, bảo đảm sự an toàn cho du khách trên mọi phương diện thì mới được hoạt động" - bà Ngọc thông tin.
Ông Võ Đức Trung, Giám đốc Công ty CP Mạo hiểm Việt (TP Đà Lạt), cho rằng từ việc thường xuyên kiểm tra đó nên các điểm du lịch mạo hiểm trên địa bàn Lâm Đồng đang dần hoàn thiện và mang tính chuyên nghiệp hơn. "Cần tuân thủ nghiêm ngặt từng lộ trình hoạt động khai thác du lịch mạo hiểm để bảo đảm an toàn cho du khách" - ông Trung kiến nghị.
Cân nhắc đưa du lịch vào động núi lửa
Tỉnh Đắk Nông đang triển khai xây dựng Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông trên diện tích khoảng 4.000 km2, trải dài trên 6 huyện, thị xã với hệ thống hang động độc đáo và vừa tìm thấy di cốt người tiền sử sống cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm. Bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông, cho biết theo kế hoạch, đầu tháng 7, đoàn chuyên gia của UNESCO sẽ chính thức vào thẩm định để công nhận CVĐC toàn cầu. Hiện tỉnh Đắk Nông đã xây dựng 3 tuyến du lịch CVĐC. Riêng điểm du lịch mang tính chất mạo hiểm vào hang động thì tỉnh phải nghiên cứu bài bản về độ an toàn; những tác động, ảnh hưởng đến di sản và cần phải có nhà đầu tư phối hợp nghiên cứu.
C.Nguyên
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/kho-quan-du-lich-mao-hiem-2019062721352219.htm