Khó quản lý, sử dụng diện tích đất nhỏ lẻ sau thu hồi giải phóng mặt bằng
Công tác thu hồi đất phục vụ xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh ta những năm qua luôn được nhân dân đồng tình ủng hộ và khẩn trương bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư bảo đảm theo tiến độ, kế hoạch. Song, sau khi giải phóng mặt bằng tại các dự án đều phát sinh những tồn tại, nhất là ảnh hưởng đất nông nghiệp bởi nhiều hộ nằm trong dự án nhưng chỉ thu hồi một phần, diện tích còn lại nhỏ, lẻ khó canh tác. Điều này, không những ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng đất của các hộ, mà còn khiến cho công tác quản lý đất đai gặp khó khăn.
Công tác thu hồi đất phục vụ xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh ta những năm qua luôn được nhân dân đồng tình ủng hộ và khẩn trương bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư bảo đảm theo tiến độ, kế hoạch. Song, sau khi giải phóng mặt bằng tại các dự án đều phát sinh những tồn tại, nhất là ảnh hưởng đất nông nghiệp bởi nhiều hộ nằm trong dự án nhưng chỉ thu hồi một phần, diện tích còn lại nhỏ, lẻ khó canh tác. Điều này, không những ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng đất của các hộ, mà còn khiến cho công tác quản lý đất đai gặp khó khăn.
Tình trạng này tập trung chủ yếu ở các dự án xây dựng và mở rộng đường giao thông qua các địa phương. Đơn cử như: dự án xây dựng quốc lộ 38 (thị xã Duy Tiên); tuyến đường bộ nối hai cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với Cầu Giẽ – Ninh Bình; dự án xây dựng đường tỉnh (ĐT) 495B; dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Lang; tuyến đường liên kết vùng nối từ đường vành đai 4 – vành đai 5 qua quốc lộ 38 - quốc lộ 21 (Kim Bảng).
Ông Nguyễn Văn Thất, Chủ tịch UBND phường Châu Giang (Duy Tiên) cho biết: Tuyến quốc lộ 38 qua địa phận 6 tổ dân phố của phường dài hơn 4 km với hàng trăm hộ ảnh hưởng đất thu hồi và nhiều hộ hiện chỉ còn từ 6m2 – 10m2 đất ven đường. Gần 10 năm qua, một số vị trí đất ven hai bên đường diện tích nhỏ lẻ nằm trên vùng đất cao khó khăn về nước tưới và chuột thường xuyên gây hại. Trong khi đó, nếu các hộ chuyển đổi trồng các loại cây ăn quả lại không đúng quy định, mà để trống sẽ xảy ra tình trạng người dân đổ đất đá, phế liệu vi phạm trật tự an toàn giao thông, cảnh quan môi trường. Nhiều lần UBND phường đề nghị các cấp, ngành yêu cầu đơn vị quản lý đường thu hồi diện tích đất nhỏ lẻ để mở rộng hành lang giao thông nhưng không được thực hiện.
Còn tại xã Tân Sơn (Kim Bảng), hiện nay trên địa bàn đang thực hiện 3 dự án giao thông với khoảng 700 hộ sau khi thu hồi có diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ khó canh tác. Ông Nguyễn Văn Chanh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Băn khoăn lớn nhất của cấp ủy, chính quyền sau hoàn thành thu hồi đất ở các dự án, đó là việc quản lý đất đai rất phức tạp do diện tích manh mún dẫn đến tình trạng người dân không sản xuất, hoặc tự phát chuyển đổi cây trồng, đổ phế liệu xây dựng ven đường. Bởi hầu hết diện tích đất ven đường ở Tân Sơn cốt đất cao hơn những vị trí nội đồng nên nếu gieo cấy thì việc dong dẫn nước khó khăn, chuột gây hại và bỏ ruộng lại ảnh hưởng đến chỉ đạo sản xuất của địa phương.
Tại dọc tuyến đường bộ nối hai cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với Cầu Giẽ – Ninh Bình, phần diện tích đất nhỏ lẻ ven đường thời gian qua đã được nhiều hộ trồng cây ăn quả, san nền, dựng lều quán ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Dự án xây dựng đường bộ nối hai cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với Cầu Giẽ – Ninh Bình (Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường) cho biết: Đầu năm 2022, dự án tiếp tục thi công giai đoạn 2 và mặc dù toàn tuyến đã hoàn thành toàn bộ việc thu hồi đất nhưng vẫn phát sinh tồn tại. Bởi, việc chấp hành quy định của một số hộ sinh sống ven đường nằm trong mốc lộ giới đã thu hồi nhưng chưa tuân thủ bàn giao mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, nhất là một số vị trí đoạn qua xã Tràng An (Bình Lục).
Trước thực tế đó, hằng năm UBND các huyện, thị xã, thành phố tập hợp kiến nghị của người dân và đề nghị ngành chức năng tham mưu với UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ những tồn tại. Song, thời gian qua vấn đề này mới chỉ được thực hiện ở một số dự án thu hồi đất phục vụ xây dựng công trình nhà ở, khu đô thị, các khu, cụm công nghiệp. Đơn cử như tại các xứ Đống Tre và Đồng Bề ở Thôn 6 xã Nhật Tân (Kim Bảng) có 13 ha đất nằm gần Khu công nghiệp Đồng Văn IV sau thu hồi đất thường xuyên ngập úng, gây bức xúc cho người dân. Chính vì thế, để tháo gỡ những bất cập này, ngày 12/10/2016 UBND tỉnh đã có Văn bản số 2409/UBND-NN&TNMT chấp thuận cho nhà đầu tư thu hồi diện tích đất nhỏ lẻ, khó canh tác do ảnh hưởng bởi dự án xây dựng Khu công nghiệp Đồng Văn IV. Theo đó, UBND huyện Kim Bảng chỉ đạo các ngành phối hợp với địa phương rà soát diện tích đất nhỏ lẻ, xây dựng phương án bồi thường, tổ chức thu hồi với diện tích 8,7 ha.
Hiện nay, nhiều địa phương đang tập trung thu hồi đất xây dựng các dự án, nhất là một số công trình giao thông trọng điểm hoàn thành trước năm 2025. Do vậy, bên cạnh nỗ lực của các cấp, ngành trong đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân bàn giao đất cho nhà đầu tư, UBND tỉnh xem xét có cơ chế, chính sách cụ thể đối với diện tích đất nhỏ lẻ sau thu hồi giải phóng mặt bằng nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn.