Lẩu mắm U Minh Cà Mau là một trong những đặc sản bốc mùi mà dân dã không thể thiếu đối với người dân Nam Bộ nói chung và U Minh nói riêng. Với hương vị đậm đà, da diết khiến thực khách ăn một lần rồi nhớ mãi.
Cà Mau mảnh đất cuối cùng của bản đồ Việt Nam cũng là xứ sở của những món ăn ngon làm say đắm lòng lữ khách phương xa. Nếu có dịp đến Cà Mau, du khách đừng bỏ lỡ hương vị thơm nồng nàng món ăn gây “nghiện” lẩu mắm U Minh.
Từ lâu, lẩu mắm được xem là nét đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với sự kết hợp vô vàn các nguyên liệu đã làm cho món lẩu mắm U Minh thêm phần đặc biệt. Tuy là mùi lẩu mắm nồng kén người ăn nhưng nếu đã thưởng thức một lần, du khách sẽ nhớ mãi không nguôi.
Mắm ba khía Rạch Gốc: Chắc hẳn những ai từng đặt chân đến mảnh đất Cà Mau này đều không thể bỏ lỡ việc thưởng thức món mắm ba khía của người dân nơi đây, món được mệnh danh “ăn một lần, nhớ một đời”.
Ba khía trông rất giống cua đồng, phần dưới có tám ngoe lấm chấm những sợi lông tơ, có hai càng màu nâu đỏ, mai màu nâu sẫm có 3 vạch nên người ta gọi là ba khía. Ba khía sống thường có mặt tại nhiều nơi như Gò Công, Cần Giờ,… nhưng đặc biệt nhất là ở Rạch Gốc – Cà Mau vì ba khía ở đây có thịt chắc nịch và thơm hơn nhưng vùng khác.
Vào độ tầm khoảng tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, ba khía sinh sản đông nhất. Ba khía sau khi bắt về, rửa sạch rồi nêm nếm gia vị vừa ăn, không quá mặn cũng không quá nhạt. Sau khoảng một tuần, màu sắc ba khía được làm ra vẫn giữ màu sắc như ban đầu thì sản phẩm đã đạt chất lượng.
Mắm tôm chua: Đây được xem là loại mắm đặc trưng nhất của vùng đất này, với chất lượng và mùi vị thơm ngon ít nơi nào sánh được. Từ con tôm đất tự nhiên, người dân xứ Đất Mũi đã làm nên món mắm tôm đặc biệt. Để có được những con mắm tôm thơm ngon này, người làm phải trải qua nhiều giai đoạn kỳ công.
Được biết, để có được loại mắm tôm xứng danh đặc sản Đất Mũi thì nguyên liệu phải là con tôm đất còn sống, chưa qua ướp đá. Quá trình làm mắm tôm trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Mắm tôm sau khi làm khoảng 20 ngày mới bắt đầu dùng được. Con mắm thành phẩm ngon phải có màu đỏ tự nhiên, mùi thơm, thịt tôm ngọt tự nhiên, nước đậm đà với vị chua ngọt.
Mắm cá sơn: Loại mắm này có vị hơi chua, đậm đà, thịt cá mềm, xương rệu và hương thơm đặc trưng của một loại mắm miền biển. Đây từ lâu đã trở thành một đặc sản của vùng Đất Mũi được gửi đi khắp cả nước.
Dù mắm còn nguyên con nhưng toàn bộ xương đã mềm. Có thể trộn mắm cá sơn với gỏi đu đủ hoặc ăn trực tiếp kèm với ổi xanh, cóc non, bần ổi, khế chua, chuối chát, cà phổi, dưa leo, rau thơm… Nếu ăn kèm mắm cá sơn với thịt ba rọi luộc thì càng thêm ngon.
Mắm cá lóc: Với bí quyết được lưu truyền từ mấy chục năm nay, bà con ở huyện Thới Bình (Cà Mau) đã giữ được hương vị mắm lóc truyền thống của xứ sở. Từ đó, giúp nó trở thành một đặc sản hấp dẫn du khách gần xa khi đến đây.
Theo những hộ chuyên làm mắm lóc ở địa phương, con mắm cá lóc Thới Bình chính gốc có mùi thơm, vị mặn nhưng đậm đà chứ không mặn chát, thịt cá đỏ au, có thể để rất lâu mà không bị thay đổi mùi vị.
Mắm ong: Đây là một đặc sản thiên nhiên tuyệt vời mà rừng U Minh dành tặng riêng cho người dân Cà Mau.
Nghe tên loại mắm này có lẽ các bạn sẽ thấy rất lạ, nhưng mùi vị thì lại đậm đà khó quên. Mắm ong khá hiếm do phụ thuộc vào mùa thu hoạch mật ong. Ảnh: Internet.
Theo Thảo Nguyên (kienthuc.net.vn)