Khổ sở khi mua nhà bị tranh chấp
Căn nhà của ông Dân bị gia đình bà Yến xịt sơn và không cho vào ở. Ảnh: VĂN TÀI
Vợ chồng ông Nguyễn Thế Dân (SN 1976, trú xã Hòa An, huyện Phú Hòa) dành dụm 300 triệu đồng để mua căn nhà số 68 Ngô Quyền (phường 5, TP Tuy Hòa) từ ông Nguyễn Trọng Hùng (trú phường 6, TP Tuy Hòa). Mua nhà xong, ông Dân làm đơn xin giấy phép xây dựng để cải tạo lại thì mới biết rằng căn nhà đó phát sinh tranh chấp nên ông không được sử dụng tài sản của mình.
Mua nhà, nhưng phải ở trọ
Ngày 27/10, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Công Khánh đã có Công văn 14 yêu cầu TAND tỉnh, TAND TP Tuy Hòa chỉ đạo giải quyết vụ việc này, xem xét xử lý đơn tố cáo theo quy định pháp luật và thông báo kết quả cho Ban Nội chính Tỉnh ủy biết để giải quyết theo luật định.
Phản ánh với phóng viên Báo Phú Yên, ông Nguyễn Thế Dân cho biết: Ngày 20/8/2020, ông có nhận chuyển nhượng căn nhà số 68 Ngô Quyền từ ông Nguyễn Trọng Hùng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: 3901052501, do UBND tỉnh Phú Yên cấp ngày 5/6/1999. Sau đó, vợ chồng ông làm hợp đồng chuyển nhượng công chứng, rồi đăng ký hồ sơ chuyển nhượng tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Tuy Hòa.
Mua được nhà hợp với túi tiền, ông Dân rất mừng vì thoát cảnh ở trọ. Ngày 22/8, ông làm hồ sơ xin giấy phép xây dựng thì Phòng Quản lý đô thị TP Tuy Hòa trả hồ sơ với lý do: “Hiện căn nhà này đang có tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Ngọc Yến (SN 1961, trú phường 5) và ông Hồ Khanh (SN 1927, trú phường 9, TP Tuy Hòa)”.
Không sửa được nhà, nhưng khi vợ chồng ông dọn về ở thì bị gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Yến cản trở không cho vào nhà, rồi cho người xịt sơn lên tường nhà với nội dung “nhà tranh chấp”.
Bức xúc vì quyền lợi của mình bị xâm phạm nghiêm trọng, ngày 26/8/2020, ông Dân làm đơn khiếu nại gửi đến UBND phường 5 và Công an phường 5. Đến ngày 5/9/2020, cán bộ địa chính phường 5 và ông Lê Trúc Lâm (thẩm phán TAND TP Tuy Hòa) mời ông Dân đến nhà bà Yến làm việc và kết luận: “Giữ nguyên hiện trạng và chờ đơn trả lời của TAND TP Tuy Hòa”.
“Lúc này, tôi mới biết TAND TP Tuy Hòa đang thụ lý hồ sơ vụ án dân sự về việc tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là căn nhà số 68 Ngô Quyền giữa bà Nguyễn Thị Ngọc Yến và ông Hồ Khanh (chủ nhà cũ). Trong khi đó, lúc tôi mua nhà thì có giấy tờ hợp pháp, đúng thủ tục, không biết có tranh chấp nên tôi cũng đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước theo quy định. Vì vậy, tôi rất bất ngờ trước quyết định của tòa án buộc tôi không được vào ở nhà mình mua và giữ nguyên hiện trạng chờ phán quyết của tòa”, ông Dân chia sẻ.
Song, vì tôn trọng cơ quan tố tụng, ông Dân chấp nhận giữ nguyên hiện trạng căn nhà. Ông Dân cho biết thêm, tiền mua nhà một phần là vợ chồng tích lũy được, một phần đi vay từ ngân hàng, nhưng bây giờ không được vào ở và phải dắt díu đi ở trọ khiến gia đình ông bị tổn thất cả về vật chất lẫn tâm lý. “Bởi khi mua nhà và chuyển nhượng, tôi không hề liên quan đến tranh chấp, đã được chứng nhận các quyền sở hữu hợp pháp căn nhà đó. Nay bỗng dưng bị vạ lây vì lá đơn của người khác, thiệt hại đó ai giải quyết?”, ông Dân bức xúc nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Văn Phúc, Chủ tịch UBND phường 5 nói: Việc ông Dân mua lại nhà của ông Hùng với đầy đủ giấy tờ thủ tục hợp pháp là đúng. Tuy nhiên, do bà Yến tranh chấp với ông Khanh về ngôi nhà này và TAND TP Tuy Hòa đang thụ lý nên phường có chức năng giữ nguyên hiện trạng ngôi nhà để chờ phán quyết của tòa.
Trước nghịch cảnh nói trên, ông Dân tố cáo thẩm phán Lê Trúc Lâm đã thụ lý hồ sơ vụ việc và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của gia đình ông đến các cơ quan chức năng.
Vạ lây vì đơn tranh chấp?
Thẩm phán Lê Trúc Lâm, người thụ lý giải quyết vụ việc này cho biết, căn nhà số 68, 70, 72 Ngô Quyền (phường 5) trước năm 1975 thuộc sở hữu của ông Nguyễn Quốc Mẫu. Sau ngày giải phóng, ông Mẫu bỏ vào miền Nam. Trước khi đi, ngày 20/3/1975, ông Mẫu có làm văn bản ủy quyền cho con là Nguyễn Thị Ngọc Yến và Nguyễn Quốc Hùng đồng sở hữu nhà. Sau đó, thực hiện chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà, đất ở các đô thị và các tỉnh phía Nam theo Quyết định 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ, UBND tỉnh Phú Khánh đã ban hành Quyết định 3506 VP/AI ngày 27/11/1978 về việc trực tiếp quản lý nhà, tài sản vắng chủ tại nhà số 68, 70, 72 Ngô Quyền của ông Mẫu.
Ngày 7/1/1980, UBND TX Tuy Hòa lập biên bản giao ngôi nhà số 68 Ngô Quyền cho vợ chồng ông Hồ Khanh theo hình thức cho thuê.
Tháng 3/1990, bà Yến có đơn gửi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xin lại nhà số 68 Ngô Quyền. Đến ngày 30/3/1998, UBND tỉnh Phú Yên có Công văn 223/CV-UB trả lời đơn cho bà Yến là không chấp nhận yêu cầu khiếu nại xin lại nhà số 68 Ngô Quyền của bà Yến do không có cơ sở pháp luật để xem xét.
Sau đó, thực hiện chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người thuê, UBND tỉnh Phú Yên bán cho vợ chồng ông Hồ Khanh. Ngày 5/6/1999, vợ chồng ông Hồ Khanh được tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất với diện tích nhà ở 70,2m2, diện tích đất ở 109,37m2 tại địa chỉ 68 Ngô Quyền.
Ngày 23/11/2006, vợ chồng ông Khanh chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở này cho ông Phạm Văn Nam và bà Trương Thị Mẫn (chưa rõ địa chỉ). Sau đó, ngày 28/9/2018, ông Nam, bà Mẫn chuyển nhượng nhà và đất lại cho ông Nguyễn Trọng Hùng. Ngày 20/8/2020, ông Hùng chuyển nhượng nhà và đất lại cho ông Dân. Hiện ông Dân là chủ sở hữu hợp pháp căn nhà này.
Tháng 6/2018, bà Yến khởi kiện tranh chấp quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất tại địa chỉ 68 Ngô Quyền, yêu cầu vợ chồng ông Khanh phải trả lại nhà và đất nói trên. Nhưng mãi đến ngày 3 và 8/9/2020, nguyên đơn mới có đơn yêu cầu “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp” theo Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự và “cấm dịch chuyển về tài sản” đối với ngôi nhà đang tranh chấp, theo Điều 121 Bộ luật Tố tụng dân sự. Ngay sau đó, TAND TP Tuy Hòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để phong tỏa tài sản này.
Tại sao khi thụ lý vụ việc từ tháng 6/2018, TAND TP Tuy Hòa không hướng dẫn nguyên đơn và không ban hành quyết định áp dụng khẩn cấp tạm thời ngay thời điểm đó, mà mãi đến khi ông Dân mua nhà chuyển nhượng vào ngày 20/8/2020, tòa án mới ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, khiến quyền lợi hợp pháp của họ bị xâm phạm nghiêm trọng? Lý giải về vấn đề này, thẩm phán Lê Trúc Lâm cho rằng trước đây, vụ việc này do thẩm phán khác phụ trách, ông chỉ là người tiếp quản sau này. Ngoài ra, TAND TP Tuy Hòa phải mất rất nhiều thời gian để thu thập hồ sơ Nhà nước quản lý nhà số 68 Ngô Quyền, định giá tài sản và lấy ý kiến của UBND tỉnh Phú Yên. Vụ việc đang chờ ý kiến thỉnh thị của TAND tỉnh nên có chậm đưa ra xét xử?
Theo luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên, lẽ ra TAND TP Tuy Hòa phải cân nhắc khi thụ lý đơn khởi kiện đòi lại nhà của bà Yến. Nếu có thụ lý thì phải hướng dẫn bà Yến đề nghị, rồi ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay thời điểm đó, chứ không phải sau khi hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa ông Dân và ông Nguyễn Trọng Hùng được các cơ quan chức năng hoàn tất xác nhận giao dịch, rồi mới ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của các đương sự. Bởi ông Dân không hề liên quan đến tranh chấp, đã được các cơ quan chức năng chứng nhận các quyền sở hữu hợp pháp căn nhà đó, nay bỗng dưng bị vạ lây vì đơn thư của người khác.
“Người dân cần cẩn trọng khi giao dịch bất động sản. Bởi nếu tính pháp lý bất động sản không rõ ràng, là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, thì rất phiền hà cho người mua sau này”, luật sư Quê khuyến cáo.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/164/248285/kho-so-khi-mua-nha-bi-tranh-chap.html