Khó 'sốt cao' đất nền

Hai tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản (BĐS) đất nền tại một số địa phương đã chứng kiến những cơn sốt đất cục bộ.

Sốt đất vẫn có thể diễn ra cục bộ ở những nơi có dự án hạ tầng hoặc đô thị

Sốt đất vẫn có thể diễn ra cục bộ ở những nơi có dự án hạ tầng hoặc đô thị

Ông Hoàng Liên Sơn – Tổng giám đốc Alpha Real cho rằng, sẽ có những nhóm đầu cơ theo chân các chủ đầu tư lớn đến các vùng đất mới, lợi dụng thông tin quy hoạch để tạo sóng ở một số khu vực.

Các chuyên gia dự báo sốt giá đất nền vẫn có thể tái diễn ở một số địa phương, từ thông tin ăn theo các dự án hạ tầng.

Còn đó những nguy cơ

Trên thực tế, thị trường BĐS thời gian qua dù chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, song các cơn sốt đất trong quý I, II/2021 đã thiết lập mặt bằng giá mới ở phân khúc này. Trong đó, công bố thông tin thị trường mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, giá đất nền năm 2021 đã tăng 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Mặc dù các địa phương đã có những biện pháp để dẹp nạn sốt đất, song trước những diễn biến mới của thị trường, Báo cáo của Bộ Xây dựng vẫn đưa ra quan ngại về việc khởi phát của hiện tượng "sốt giá" BĐS trong năm 2022.

Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát đã tác động làm thị trường BĐS phát triển nóng.

Ghi nhận của DĐDN, 2 tháng đầu năm 2022, tại Hà Nội, các huyện vùng ven như Hoài Đức đã có hiện tượng “nóng lên” bởi các thông tin từ tuyến đường Vành đai 4, giá đất rao bán tăng 10 – 20 triệu đồng/m2 so với hồi đầu năm 2021.

Tại Quảng Trị, cơn sốt tại TP. Đông Hà vừa lắng xuống thì đợt sốt mới lại xuất hiện ở thị trấn vùng biên Lao Bảo, giá khu tái định cư Tân Thành – Lao Bảo bất ngờ tăng gấp đôi.

Hay tại Đắk Lăk, sau thông tin về dự án Bệnh viện đa khoa Trung ương khu vực Tây ngyên và đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, tình hình giao dịch nhà đất tại TP.Buôn Ma Thuột tăng đột biến khiến giá đất bị đẩy lên cao.

Cuối năm 2021 và tháng đầu năm 2022, đơn vị này đã tiếp nhận gần 12.000 hồ sơ thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, số lượng chưa từng có ở địa phương này.

Mặt bằng giá không đột biến như năm 2021

Trước các diễn biến trên, các chuyên gia nhận định sốt đất vẫn có thể diễn ra cục bộ ở một số địa phương có các thông tin mới về quy hoạch, hạ tầng.

Ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho biết, đà hồi phục của kinh tế sẽ kích thích các nhà đầu tư tin rằng một chu kỳ tăng trưởng mới sẽ bắt đầu, cần phải "xuống tiền" trước khi giá lên quá cao. Điều này có thể làm hiện tượng "sốt đất" ở một vài khu vực, tuy nhiên sẽ không xảy ra trên diện rộng và chỉ tập trung ở một số khu vực dự án.

Theo ông Hoàng Kim Hoài – Tổng giám đốc Phúc Điền Land, sau đợt dịch, nhiều người nhận thấy các kênh đầu tư khác khá bất ổn nên đổ tiền vào nhà đất. Do đó, BĐS nói chung trở thành kênh trú ẩn an toàn. Lợi nhuận của nhà đầu tư đi trước đã trở thành hấp lực với những nhà đầu tư mới.

Ông Hoàng Liên Sơn – Tổng giám đốc Alpha Real cảnh báo, nhà đầu tư cần cẩn trọng trước các làn sóng này bởi mặt bằng giá ảo có thể xuất hiện ở các địa phương, tuy nhiên sẽ nhanh chóng hạ xuống khi cơn sốt đất qua đi.

Các địa phương cần kịp thời cung cấp thông tin mới về quy hoạch. Minh bạch thông tin dự án hạ tầng, dự án đô thị là yêu cầu đầu tiên để dẹp các cơn sốt ảo.

Theo Diệu Hoa/batdongsan.enternews.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh/kho-sot-cao-dat-nen-345578.html