Kho tàng văn hóa dân gian của người Pà Thẻn

Tuy không phải là dân tộc chiếm số đông như dân tộc Tày, Dao, Cao Lan nhưng người Pà Thẻn ở Tuyên Quang vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống độc đáo như trang phục, tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ… Và trong kho tàng văn hóa dân gian ấy, thơ ca, ca dao, tục ngữ của người Pà Thẻn rất đáng tự hào.

Thơ ca, tục ngữ của người Pà Thẻn ra đời từ chính cuộc sống, sinh hoạt thường nhật.

Thơ ca, tục ngữ của người Pà Thẻn ra đời từ chính cuộc sống, sinh hoạt thường nhật.

Thơ ca dân tộc Pà Thẻn là các loại thơ tự do, ít gieo vần với các thể loại hát đối, hát tập thể, hát về mẹ, tình yêu nam nữ. Một số bài hát không đề, mang tính độc lập. Đó là loại hát tập thể, hát song ca nam nữ:

“Ke chi thoảng chung sáng rí rinh, thờ chung tố rị thờ chúng sinh thờ dung tố rị, bộ tré qué, xĩ pạ hơ ti hờ sinh to húng rịu” (Ở đám cưới, chỗ tập thể anh em, em ở đâu dù xa cũng về. Tập thể cùng vui, con gái tuổi 18 hạnh phúc).

Thơ ca nói về tình yêu nam nữ thường có giai điệu buồn da diết:

“Già no rú đơ, vồ chò a pế, già no rú quơ, po cho khổ ni mú giạ rạ vò, tố tê gợ, tố tê chèn gợ, tố tệ ra” (Con gái thích ăn rau non thì phải dọn vườn. Muốn ăn gạo trắng thì phải khai phá nhiều ruộng. Muốn (thích) lấy tôi về phải quay về với nhau”.

Song tình yêu ấy hết sức chân thành, mộc mạc, giản dị nhưng đầy mê đắm, vượt qua mọi khoảng cách về thời gian, không gian:

“Con đường tốt là con đường đi tìm hiểu

Ở đâu vũng về, ở đâu cũng đến

Không biết là con gái phương nào

Không biết ở gần hay xa

Đi tìm con đường hạnh phúc”

Nhưng tình yêu không phải lúc nào cũng ngọt ngào, hạnh phúc. Có những mối tình dang dở khiến họ dằn vặt, đau khổ. Bởi tình yêu ấy tưởng như đã chín muồi, song vì lý do nào đó cô gái lại thay lòng đổi dạ, lấy người khác giàu sang hơn. Người con trai sẽ hát chế giễu kẻ bội tình:

“Tưởng rằng lấy người khác sẽ sung sướng hơn nhưng… cái chân giã gạo, cái tay bế con, mở mồm ra thì chồng muốn đánh. Thằng lớn khóc đòi cơm, thằng nhỏ đòi bú. Gọi ông trời không thưa, gọi ông đất không phù hộ…”.

Cùng với thơ ca thì ca dao tục ngữ của dân tộc Pà Thẻn khá phong phú. Song tựu trung lại đều phản ánh các hiện tượng thiên nhiên, khuyên răn con người chí thú làm ăn, phê phán kẻ lười biếng.

Người Pà Thẻn sống dựa vào thiên nhiên. Chính đặc điểm này khiến họ đúc rút những kinh nghiệm quý báu về các hiện tượng thời tiết:

“An hi tố nhộ, ông djngọ” (Buổi sáng mặt trời mọc đỏ rực thì ngày hôm đó nắng không đẹp hoặc mưa).

Họ còn sớm nhận thức được giá trị của lao động, khuyên răn con người chăm chỉ làm ăn: “Tú cờ tú no, ghê cờ tú no” (Chăm chỉ mới có cái ăn). Đồng thời phê phán thói lười lao động:

“No ké mai khu púa lạ ung

Mi mo ké me” (Thấy có ăn thì mò vào ăn/ Ăn xong lười làm không có cái trả).

Hiện nay, thơ ca, ca dao, tục ngữ của người Pà Thẻn vẫn được gìn giữ và lưu truyền trong đời sống hàng ngày. Đó là kho tàng văn hóa truyền thống đáng tự hào của người Pà Thẻn.

Hoàng Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/dan-toc-mien-nui/phong-tuc-tap-quan/kho-tang-van-hoa-dan-gian-cua-nguoi-pa-then-140149.html