Khó thở, ho khan, đau ngực,… thận trọng với bệnh cơ tim giãn

Bệnh cơ tim giãn là thể thường gặp nhất của bệnh cơ tim nội sinh. Bệnh có thể đột ngột với biểu hiện của phù phổi cấp, thuyên tắc động mạch phổi hoặc tắc mạch hệ thống, thậm chí đột tử. Nhưng thường gặp hơn là các biểu hiện của suy tim sung huyết tiến triển như: Mệt mỏi, khó thở, ho, đau tức ngực,…

1. Nguyên nhân bệnh cơ tim giãn

Bệnh cơ tim giãn là bệnh lý của cơ tim không rõ nguyên nhân, đặc trưng là các buồng tim giãn, rối loạn chức năng co cơ tim và thường có biểu hiện suy tim sung huyết. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân này sau 5 năm là 35% và lên tới 70% sau 10 năm theo dõi.

Mặc dù không rõ nguyên nhân gây bệnh cơ tim giãn song người ta ghi nhận các yếu tố gợi ý trong đó có yếu tố di truyền chiếm khoảng 20% các trường hợp mắc cơ tim giãn. Tiếp theo là các yếu tố khác như lạm dụng rượu, mắc bệnh tự miễn và đã nhiễm viêm cơ tim trước đó. Các nhà nghiên cứu cho rằng uống rượu trong thời gian dài là nguyên nhân dẫn đến bệnh cơ tim thứ phát, không do thiếu máu cục bộ. Ngoài ra, việc uống rượu trong thời gian dài còn tăng nguy cơ rung nhĩ, loạn nhịp tim trên thất, ngoại tâm thu thất, tăng huyết áp, đột quỵ.

Các bệnh truyền nhiễm như bệnh leptospirosis, bệnh Lyme, bệnh toxoplasma, sốt Q, bệnh Chagas, cytomegalovirus, adenovirus... có thể là nguyên nhân. Tuy nhiên, sự hiện diện của virus ở những bệnh nhân mắc bệnh cơ tim giãn cũng không nói lên được đó là nguyên nhân gây bệnh.

Nếu không được điều trị đúng cách bệnh cơ tim giãn có khả năng dẫn tới các biến chứng như: hở van tim, loạn nhịp tim,...

Nếu không được điều trị đúng cách bệnh cơ tim giãn có khả năng dẫn tới các biến chứng như: hở van tim, loạn nhịp tim,...

2. Biểu hiện của bệnh cơ tim giãn

Tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh cơ tim giãn, tuy nhiên lứa tuổi thường gặp nhất là tuổi trung niên. Các dấu hiệu thường diễn ra rất từ từ và bệnh nhân thường có một giai đoạn dài từ vài tháng đến vài năm hoàn toàn không có triệu chứng. Một vài trường hợp bệnh khởi phát đột ngột như ở các bệnh nhân sau một thời kỳ tăng nhu cầu hoạt động của tim- sau phẫu thuật hay nhiễm trùng.

Đối với các bệnh nhân trẻ tuổi nhiều khi bị chẩn đoán nhầm với các bệnh phổi thông thường như viêm phổi, viêm phế quản,... Dần dần sau đó bệnh nhân thường có các biểu hiện của suy tim như khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm và khó thở về đêm, ho khan, tiểu ít...

Giai đoạn nặng lên của bệnh sẽ thấy các dấu hiệu của suy tim phải như phù ngoại biên, nôn, căng tức bụng do gan to, đi tiểu đêm và cổ trướng. Các dấu hiệu khác có thể gặp là biểu hiện mệt mỏi và suy nhược cơ thể.

Đau ngực cũng có thể gặp mặc dù hệ thống động mạch vành hoàn toàn bình thường. Các dấu hiệu ngất và xỉu thường có nguồn gốc do rối loạn nhịp hoặc do dùng thuốc gây hạ huyết áp tư thế đứng,… các bệnh nhân thường có triệu chứng suy tim nặng giai đoạn 3-4.

Nếu không được điều trị đúng cách bệnh cơ tim giãn có khả năng dẫn tới các biến chứng như: hở van tim, loạn nhịp tim, suy tim, hình thành huyết khối,… rất nguy hiểm vì dẫn đến đột quỵ hoặc tử vong.

3. Chẩn đoán bệnh cơ tim giãn

Để chẩn đoán bệnh cơ tim giãn ngoài các thăm khám lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định làm các biện pháp để chẩn đoán chính xác như: xét nghiệm máu, điện tâm đồ (ECG), chụp X-quang ngực, siêu âm tim, Holter điện tâm đồ, thông tim hoặc chụp CT tim và mạch vành, chụp MRI tim... để tìm nguyên nhân.

4. Cần làm gì khi bị cơ tim giãn?

Tùy từng trường hợp, giai đoạn bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp như: Dùng thuốc, đặt thiết bị cấy ghép... trường hợp phải phẫu thuật sẽ được các bác sĩ chỉ định nếu đã được sử dụng các biện pháp như dùng thuốc, đặt thiết bị cấy ghép đều không mang lại hiệu quả trong điều trị bệnh cơ tim giãn.

Vì vậy, ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ người bệnh cần có lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý sẽ giúp cải thiện triệu chứng của bệnh cơ tim giãn.

Nếu người bệnh lạm dụng rượu, thuốc lá thì cần bỏ để giảm tránh nguy cơ hẹp mạch vành hay co thắt mạch vành,… cần ăn nhạt, tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn như: xúc xích, thịt xông khói, giăm bông.

Tóm lại: Cơ tim giãn là căn bệnh nặng, có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong khá cao. Do vậy, khi có các dấu hiệu mệt, khó thở về đêm, người dân cần đến ngay bệnh viện, các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

TS. Ngô Thị Minh Hạnh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/kho-tho-ho-khan-dau-nguc-than-trong-voi-benh-co-tim-gian-169230216162136617.htm