Khó thở, ho ra máu, đi khám phát hiện 'thủ phạm' là hạt hồng xiêm
Nhận thấy tiền sử người bệnh có hội chứng xâm nhập nên các bác sĩ chỉ định nội soi khí quản, phế quản và phát hiện dị vật đường thở trong khí quản.
Ngày 10/5, TS.BS Đào Đình Thi - Trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương cho biết, gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu dị vật đường thở.
Anh Nguyễn Ngọc T, 40 tuổi (Tân Phong, Quảng Xương, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng khó thở, thỉnh thoảng xuất hiện ho ra máu. Tiền sử người bệnh có hội chứng xâm nhập nên các bác sĩ chỉ định nội soi khí quản, phế quản và phát hiện dị vật đường thở trong khí quản và phế quản gốc phải.
Bác sĩ hội chẩn và thực hiện kỹ thuật can thiệp lấy dị vật cho người bệnh là hạt hồng xiêm to có kích thước 3 x 1,5 cm.
Một trường hợp khác, bệnh nhi Phạm Gia H, 8 tuổi (Nghĩa Bình, Nghĩa Hưng, Nam Định) nhập viện trong tình trạng khó thở, khi thở bị vướng đau, khò khè. Sau khi kiểm tra phim chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ phát hiện có dị vật nằm ở phế quản gốc phải. Khi gắp ra là chiếc nắp bút kích thước khoảng 2x1 cm.
Bệnh nhi Nguyễn Xuân P, 3 tuổi (Sơn La) bé bị dị vật lọt vào đường thở là một chiếc còi, các bác sĩ đã nội soi phế quản ống cứng và dùng dụng cụ chuyên biệt gắp dị vật ra nhanh chóng.
Theo TS.BS Đào Đình Thi, hạt hồng xiêm là một trong những dị vật đường thở khó lấy. Do hạt hồng xiêm kích thước lớn và có gai sắc nhọn ở cạnh nên khi đưa qua thanh quản là vùng hẹp nhất của đường thở, dị vật bị mắc kẹt và gây ra kích thích làm co thắt khiến người bệnh khó thở.
Bên cạnh đó, hạt hồng xiêm vỏ cứng, bề mặt nhẵn rất dễ bị trơn tuột khi lôi kéo, kèm gai nhọn, nguy cơ gây xước, tổn thương thanh, khí, phế quản. Các bác sĩ phải rất cẩn trọng, khéo léo sử dụng một loại pince đặc biệt tại bệnh viện để can thiệp lấy dị vật.
Để phòng tránh nguy cơ bị dị vật đường thở, bác sĩ khuyến cáo người dân nên chú ý, cẩn trọng trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm, như đối với hồng xiêm nên cắt ngang và loại bỏ hết hạt trước khi ăn, loại bỏ xương trong thịt, cá cho trẻ nhỏ.
Khi ăn nên tập trung ăn chậm, nhai kỹ, không nên cười đùa, la hét. Các bậc phụ huynh hay bảo mẫu cần hết sức lưu ý kiểm soát khi trẻ cầm, chơi những đồ vật có kích thước nhỏ vì bé có thể vô tình nhét vào mũi hoặc nuốt.
Đối với những trường hợp dị vật là những vật sắc nhọn không nên tự ý nôn ra hoặc cố nuốt xuống có thể làm tổn thương thêm cho đường thở. Khi người bệnh gặp tình trạng dị vật đường thở, cần lập tức đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra, chẩn đoán và xử trí nhanh, đúng, đảm bảo tiên lượng sống cũng như hạn chế tối đa di chứng.